Giữ nguyên quy định Uỷ ban Chứng khoán nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu, chuẩn bị cho việc thảo luận và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 (khai mạc 21/10 tới).

Như VnEconomy đã thông tin, trình Quốc hội dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) việc xác lập Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan độc lập không được Chính phủ đặt ra, nhưng đây lại là vấn đề được Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án luật rất quan tâm.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, có 18/34 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Uỷ ban) độc lập và trực thuộc Chính phủ để quyết định nhiều vấn đề trực tiếp hơn theo thông lệ quốc tế, như quan điểm của cơ quan thẩm tra.

11/34 lượt ý kiến cho rằng mô hình Uỷ ban trực thuộc Bộ Tài chính đã và đang hoạt động tốt, phù hợp với chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, tuy nhiên, cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập cho Uỷ ban trong hoạt động.

Một số ý kiến khác cho rằng dù theo mô hình nào cũng cần bảo đảm tính độc lập cho Uỷ ban trong hoạt động để có đủ thẩm quyền trực tiếp tổ chức quản lý và giám sát toàn diện đối với thị trường chứng khoán.

Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo tổ chức các cuộc hội thảo xin ý kiến đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ tại thành phố Hà Nội và Tp.HCM.

Tại dự thảo báo cáo tiếp thu, giải trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tỏ rõ quan điểm vè những nội dung còn có ý kiến khác nhau, trong đó có quy định về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (điều 9).

Theo đó, về địa vị pháp lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc giữ nguyên Uỷ ban Chứng khoán nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay là phù hợp.

Lý do, giữ ổn định về bộ máy, tổ chức, không tăng thêm đầu mối, bảo đảm thực hiện tinh gọn bộ máy theo tinh thần nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Thực tiễn triển khai công tác quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán trong nhiều năm qua cho thấy mô hình Uỷ ban thuộc Bộ Tài chính đã và đang phát huy tác dụng tốt, hỗ trợ gắn kết cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, hỗ trợ về tài chính, ngân sách, cơ sở vật chất, chính sách thuế, đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán…

Lý do nữa là với quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam như hiện nay, việc Uỷ ban trực thuộc Bộ Tài chính giúp cho Bộ Tài chính quản lý thống nhất các vấn đề liên quan đến tài chính của đất nước. Các chính sách phụ trợ cho sự phát triển của thị trường chứng khoán như: chính sách thuế, kế toán, kiểm toán, định mức tín nhiệm... có thể được ban hành trong chỉnh thể đồng bộ, linh hoạt.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, lần chỉnh lý này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ cho Uỷ ban trong việc thực thi nhiệm vụ, để có thể tiệm cận gần hơn với các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán ((IOSCO).

Cụ thể, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho Uỷ ban trên cơ sở luật hóa quy định tại quyết định số 48/2015/QĐ-TTg ngày 8/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban trực thuộc Bộ Tài chính.

 Bao gồm: xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, chiến lược, kế hoạch, dự án, chính sách phát triển thị trường chứng khoán để trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành. Trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật,  giám sát tổ chức xã hội - nghề nghiệp về chứng khoán trong việc thực hiện mục đích, tôn chỉ, điều lệ hoạt động.

Dự thảo luật bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn cho Uỷ ban để tăng cường vai trò cũng như trách nhiệm của cơ quan này trong tổ chức, quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Gồm: tổ chức, phát triển thị trường chứng khoán; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam , Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam và công ty con (nếu có), yêu cầu Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty lưu ký sửa đổi quy định, quy chế liên quan đến hoạt động nghiệp vụ; đình chỉ, hủy bỏ quyết định liên quan đến hoạt động nghiệp vụ của hai cơ quan này.

Uỷ ban còn có nhiệm vụ chỉ đạo hai cơ quan trên thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động nghiệp vụ trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư; chấp thuận hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tình hình hoạt động của thị trường chứng khoán. trường hợp có biến động lớn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của thị trường chứng khoán, Uỷ ban có trách nhiệm kịp thời báo cáo Bộ Tài chính, đồng thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường và các giải pháp để ổn định thị trường và an toàn, an ninh tài chính, về việc tạm ngừng, đình chỉ hoặc khôi phục hoạt động giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, hoạt động lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán của Tổng công ty lưu ký.

Như vậy, nhiều khả năng tại kỳ họp tới của Quốc hội, kỳ họp các vị đại biểu sẽ bấm nút thông qua/không thônng qua Luật Chứng khoán (sửa đổi) việc thay đổi địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ không còn tiếp tục được bàn thảo. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top