Em vẫn đi học bình thường nhưng không chơi đùa với bạn bè, về là giam mình trong phòng.

Sau khi đọc bài: "", tôi cảm thấy rất chua xót trong lòng. Tôi muốn chia sẻ câu chuyện về em họ của mình, một đứa trẻ phải chịu những tổn thương về tâm lý, vì sự ích kỷ của người lớn.

Cách đây hơn một năm tôi từng gửi bài tâm sự: "". Ngày ấy, tôi chỉ biết em vì cú sốc mất mẹ và ba mình ngoại tình khi mẹ đang chạy chữa ung thư, vì thế em mới rơi vào trầm cảm. Sau này khi đưa em đi điều trị thì bác sĩ bảo căn bệnh là từ "nội vi", nghĩa là trong người em đã có mầm mống của bệnh; khi có những yếu tố tác động từ bên ngoài sẽ gây ra những chấn động về tâm lý rất nặng nề. Một người bình thường khi trải qua biến cố, cú sốc nào đó trong cuộc sống, họ sẽ có một khoảng thời gian suy sụp về tinh thần. Nếu có ý chí mạnh mẽ, biết hướng mình vào những suy nghĩ tích cực thì sẽ vượt qua được, nhưng trường hợp của em thì rất khó. Khi hỏi chuyện lại với bà ngoại, tôi mới biết trong thời gian dì mang thai em, chính là lúc hôn nhân đang trên bờ vực thẳm vì dượng ngoại tình.

Dì đã đau khổ và trầm cảm rất nặng, muốn ly dị với dượng, nhưng vì lời khuyên của mọi người trong gia đình, lời thề thốt của dượng, vì con cái mà tha thứ hàn gắn. Bác sĩ bảo trong thời gian mang thai người mẹ bị trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến thai nhi rất lớn. Khi nhận được lời khuyên của độc giả trên VnExpress, tôi rất muốn đưa em đi chữa trị ngay, có điều ở quê tôi không có bác sĩ điều trị về tâm lý phải lên Sài Gòn. Dượng thì cứ nói do tính tình em bướng bỉnh nên mới như vậy, không thừa nhận em bị trầm cảm. Em cũng nhất quyết không chịu đi điều trị, không chịu tiếp xúc với người thân, vẫn đi học bình thường nhưng không chơi đùa với bạn bè, về là giam mình trong phòng.

Tôi cố gắng qua nhà em bắt chuyện hết lần này qua lần khác dù em chỉ làm ngơ. Có hôm, tôi vừa vào nhà em thì em trốn vào góc tối trong kho. Tôi lo lắng gọi kiếm em khắp cả nhà vì sợ em làm điều dại dột. Sau đó con mèo nhà tôi vào kho nhà em sinh con. Tôi thấy em âu yếm, chăm sóc và trò chuyện với mấy chú mèo con, nên tôi kể chuyện về mèo cho em nghe, giúp em mua sữa và chăm sóc chúng.

Dần dần, em chịu nói chuyện lại với tôi, qua nhà tôi ăn cơm, tối ngủ chung với tôi. Tôi trò chuyện với em hàng ngày để hướng em vào những ý nghĩ tích cực. Em hay bị mất ngủ, có khi gần 3-4 giờ sáng mới ngủ, sau đó lại ngủ rất nhiều, lay dậy mà không chút phản ứng. Em thường gặp ác mộng và mơ thấy những điều khủng khiếp, trong lòng em luôn cảm thấy bất an, lo sợ. Dù chỉ là những điều rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày cũng làm ảnh hưởng đến tâm trạng em nhiều. Em sợ xem những đoạn phim đau khổ, nghe những vấn đề liên quan đến giới tính là em bịt tai, vì nghĩ đó là những điều ghê sợ. Khi hoảng sợ, em hay trốn sau lưng tôi như một đứa trẻ dù đã 18 tuổi. Độ tuổi 18-20 là khoảng thời gian tươi đẹp nhất với bao ước mơ, khát vọng, nhưng em lại hoàn toàn không có niềm yêu thích nào, không có định hướng hay mơ ước về tương lai. Em bảo chỉ cố gắng đậu đại học cho ba vui. Em nghĩ mình sắp chết, không sống được bao lâu nữa. Mỗi khi trời sấm chớp, em sợ hãi vô cùng, bảo sợ trời đánh vì tội bất hiếu, bởi cả thời gian dài không chịu nói chuyện với ba.

Tôi biết trong lòng em vẫn rất thương ba, hay hỏi thăm lo lắng thông qua tôi, chỉ là không thể buông bỏ để tha thứ. Khi tôi khuyên nhủ thì em phản ứng rất mạnh, nói tôi không hiểu cảm giác của em. Em có một nỗi đau rất lớn luôn đè nặng trong lòng, bất kỳ ai cũng không hiểu được. Đôi khi, tôi rất tuyệt vọng, không biết làm sao để giúp được em mình.

Khoảng thời gian đó, tôi cũng gặp chút khó khăn trong công việc và tình cảm, tâm trạng đi xuống rất nhiều. Thay vì tự mình hướng đến những suy nghĩ tích cực, tôi lại liều lĩnh thả mình sâu hơn vào những cảm xúc đau khổ đó. Rồi tôi hồi tưởng lại những nỗi đau, sợ hãi trong quá khứ đã chôn giấu trong lòng. Tôi nhớ đến ngày má mất, cảm nhận lại cảm giác đau đớn và mất mát ấy. Tôi vẫn làm việc và nói chuyện bình thường với mọi người, nhưng khi ở một mình tôi thấy mình thật vô dụng, tồi tệ, trong đầu có cả trăm ngàn suy nghĩ như muốn vỡ tung, có khi lại ngồi khóc nức nở mà không hiểu vì sao mình khóc. Tôi khó ngủ, ăn không ngon, cảm thấy như đang chìm dần vào vũng lầy, muốn vùng vẫy thoát ra nhưng không còn sức lực, cứ thế mà chìm dần. Thậm chí có lúc ý nghĩ tự tử hiện lên trong đầu, tôi tâm sự với người yêu- người tôi luôn tin tưởng là hiểu tôi nhất. Anh rất lo lắng, khuyên nhủ và động viên tôi nhiều dù ở xa.

Mọi thứ đều chưa có tác dụng, tôi cảm giác lúc này anh chưa hiểu tôi nhiều lắm, còn tôi bắt đầu hiểu được phần nào cảm xúc của em. Tôi tâm sự hết với em những cảm xúc của mình lúc ấy và nói mình đang bị trầm cảm giống em. Em lo lắng vô cùng nhưng không biết cách nào để giúp tôi, tôi bảo: "Hai chị em mình lên Sài Gòn để trị bệnh nhé. Mình phải cùng nhau vượt qua". Em đang điều trị bằng thuốc, với sự trợ giúp từ bác sĩ khoa thần kinh, đồng thời tham gia khóa trị liệu về tâm lý, để tự chữa lành từ bên trong cho mình.

Tôi về quê, đã lấy lại sự cân bằng tâm lý. Mỗi ngày em vẫn gọi cho tôi chia sẻ về quá trình trị liệu, cuộc sống hàng ngày. Em dần bớt đi những nỗi sợ, những suy nghĩ tiêu cực. Em đã biết vui cười, cảm nhận được niềm hạnh phúc. Có lẽ căn bệnh của em cần thêm một thời gian dài nữa nhưng với nhiều chuyển biến tích cực hiện tại, làm tôi thấy ấm áp trong lòng. Tôi chia sẻ câu chuyện này chỉ mong những bậc làm cha, làm mẹ, những người dù cố ý hay vô tình rơi vào mối quan hệ ngoài vợ ngoài chồng, hãy cân nhắc hậu quả mà mình gây ra. Khi hôn nhân tan vỡ, dù ai đúng ai sai đi nữa thì những đứa trẻ sẽ luôn là người phải chịu nhiều tổn thương nhất. Xin đừng mang danh "tình yêu không có lỗi" mà gây tổn hại đến người khác.

Vân

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top