Theo tin từ Vụ Báo chí (Bộ Ngoại giao), ngày 28/9 tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York, Hoa Kỳ, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng đoàn Việt Nam, đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận chung Cấp cao Khóa 74 Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

Phát biểu trước lãnh đạo và đại diện 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, Phó thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chủ nghĩa đa phương và những thành tựu to lớn mà các thể chế đa phương, nhất là Liên hợp quốc đã đạt được suốt ¾ thế kỷ qua.

Đối với Việt Nam, Phó thủ tướng khẳng định đối ngoại đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại cũng như trong tổng thể quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam cũng đã ngày càng chứng tỏ vai trò là một thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm trong các tiến trình đa phương, với những đóng góp trên nhiều lĩnh vực hoạt động của Liên hợp quốc, từ gìn giữ hòa bình tới phát triển bền vững và mới đây Việt Nam đã được các nước tin tưởng bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng chủ nghĩa đa phương đang đứng trước thách thức gay gắt do tác động của chính trị cường quyền, chủ nghĩa dân tuý, suy giảm cam kết chính trị và thiếu hụt nguồn lực. Vì vậy, tăng cường sức sống cho chủ nghĩa đa phương là một yêu cầu cấp bách đối với cộng đồng quốc tế. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nêu nhiều đề xuất cụ thể, thiết thực, được các nước quan tâm.

Khẳng định "luật pháp quốc tế là nền tảng của quan hệ bình đẳng, công bằng giữa các quốc gia", Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho rằng cộng đồng quốc tế cần lên tiếng trước những hành động đơn phương, áp đặt, vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Nhắc lại quan ngại trước những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, trong đó có những hoạt động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong các vùng biển của Việt Nam được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh các quốc gia liên quan cần kiềm chế, không có hành động đơn phương gây phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Với vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ ưu tiên thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực, nhất là trong phòng ngừa xung đột và thúc đẩy hòa bình bền vững.

Việt Nam cũng nhấn mạnh các nỗ lực đa phương cần đặt con người ở vị trí trung tâm; trong đó hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững; và cũng chỉ có thể được bảo đảm nếu người dân được bảo vệ an toàn, bảo đảm các điều kiện sống cơ bản. Trước những thách thức mới, các thể chế đa phương cần được cải tổ theo hướng tăng cường hiệu quả, minh bạch và dân chủ, và các nước cần tăng cường cam kết chính trị cũng như nguồn lực cho các thể chế đa phương. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top