Tại Hội nghị tổng kết 15 năm (2004-2019) thực hiện nghị quyết 37/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi phía Bắc ngày 25/9, đại diện Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, sắp tới Bộ sẽ trình Chính phủ một nghị định mới theo hướng nâng mức trợ cấp xã hội hằng tháng, lên 500.000 đồng từ ngày 1/1/2025.

Báo cáo về tình hình thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, ông Phạm Quang Phụng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sau 15 năm triển khai, công tác giảm nghèo, an sinh xã hội là điểm khá nổi bật.

Từ nguồn lực đầu tư của nhà nước thông qua các chính sách và chương trình giảm nghèo, người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của nhà nước; đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trong đó, tỷ lệ nghèo các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc giảm nhanh, từ gần 40% năm 2005 đã giảm xuống còn 31,4% vào năm 2010, đến đầu năm 2019 chỉ còn gần 16%.

Đồng thời, tỷ lệ nghèo ở các huyện nghèo cũng giảm bình quân 5,5%/năm, các xã nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm. Tính đến hết năm 2018, toàn vùng có 7 huyện thoát nghèo và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, hơn 70 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong khu vực đạt chuẩn nông thôn mới.

Đại diện Vụ Kế hoạch tài chính cũng cho biết, mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu hằng năm giảm bình quân 1,5% hộ nghèo, riêng các huyện nghèo/xã nghèo giảm 4%; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%.

Cùng với đó, theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng xã hội cũng có nhiều đổi mới. Tính đến hết năm 2018, cả nước có khoảng 3 triệu người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, nâng độ bao phủ lên gần 3% dân số, trên 17,8 triệu người được hỗ trợ mua toàn bộ hoặc hỗ trợ một phần bảo hiểm y tế.

Riêng vùng trung du miền núi phía Bắc có gần 700.000 người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, kinh phí trợ giúp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt gần 4.000 tỷ đồng. Có gần 5.000 đối tượng được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội, với mức nuôi dưỡng bình quân 1,2 triệu đồng/người/tháng.

Cũng theo ông Phụng, dù trong tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, ngân sách còn khó khăn nhưng nhà nước luôn dành ưu tiên đầu tư cho an sinh xã hội, trợ giúp xã hội.

Cụ thể, tổng chi ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương cho trợ giúp xã hội tăng nhanh từ 8.850 tỷ đồng năm 2009 lên gần 20.000 tỷ đồng vào năm 2018. Tỷ lệ chi trợ giúp xã hội trong GDP tăng từ 0,53% lên 0,85% trong giai đoạn 2009-2018.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Cục Bảo trợ xã hội, mức trợ cấp xã hội hằng tháng hiện nay vẫn rất thấp với chỉ 270.000 đồng/người/tháng. Do đó, đơn vị này cho biết sắp tới sẽ trình Chính phủ đề xuất nâng mức trợ cấp xã hội hằng tháng. 

Cùng với đó là cần mở rộng diện trợ cấp đến một số nhóm đối tượng rất khó khăn như trẻ em mồ côi, người cao tuổi vùng dân tộc miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top