Trải qua 6 năm, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã bước vào phiên đàm phán chính thức cuối cùng và dự kiến sẽ được ký kết trong năm 2020. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất của thế giới.
Hiệp định RCEP gồm 16 nước, trong đó có 10 quốc gia ASEAN và 6 quốc gia đối tác mà ASEAN đã ký hiệp định Thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand), với 47,4% dân số thế giới, trên 30% GDP, 29,1% giá trị thương mại và 32,5% luồng vốn đầu tư toàn cầu.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, RCEP được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới với sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước thành viên hiệp định, trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang gặp những trở lực nhất định của bảo hộ mậu dịch, thành công của RCEP sẽ đóng góp vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm, với mục tiêu đạt được một hiệp định chất lượng cao và cân bằng về lợi ích, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận, chủ động đưa ra đề xuất trong nhiều lĩnh vực nhằm xử lý vướng mắc giữa các bên trong khi vẫn bảo đảm lợi ích quốc gia.
Cho tới nay, đàm phán RCEP đã kết thúc được nhiều chương như hợp tác kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại, mua sắm của Chính phủ... và đang thu hẹp đáng kể quan điểm giữa các nước trong các lĩnh vực quan trọng như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ...
Nhìn nhận về triển vọng của RCEP, tại hội thảo "Hiệp định RCEP: tình hình đàm phán và những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm" diễn ra mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là khu vực có quy mô thị trường lớn nhất từ trước đến nay, hơn cả khu vực của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đây là thị trường có mức sống, kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nên nhu cầu tiêu dùng rất lớn, một số quốc gia có đòi hỏi không quá cao và kỹ tính về chất lượng sản phẩm như CPTPP hay EVFTA... Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường, nhất là những lĩnh vực có thế mạnh như sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến...
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ không có nhiều biến động khi tham gia RCEP giống như CPTPP (chủ yếu là gia tăng cơ hội xuất khẩu). Thay vào đó, lợi thế lớn nhất của RCEP đối với Việt Nam là sự tham gia sâu vào chuỗi sản xuất của một số hàng hóa mà Việt Nam đang làm.
"Nếu như ở CPTPP, Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm dệt may bởi quy tắc xuất xứ nội khối, vì phần lớn nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, thì khi tham gia RCEP sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ những ưu đãi thuế quan. Bên cạnh đó, các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại. Doanh nghiệp Việt Nam cũng kỳ vọng một số thị trường dịch vụ sẽ mở hơn, đặc biệt là dịch vụ logistics, viễn thông...; nền tảng thương mại điện tử tốt hơn, môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, cạnh tranh hơn. Do đó, RCEP là cơ hội lớn hơn cho Việt Nam", bà Trang nhấn mạnh thêm.
Trước những quan ngại của doanh nghiệp về khả năng cạnh tranh của Việt Nam, bà Trang cho rằng, áp lực cạnh tranh từ việc mở cửa thị trường của RCEP là không quá lớn, ưu đãi thuế quan sẽ không tạo sự biến động lớn, bởi thực tế đến nay, nhiều dòng thuế của Việt Nam đã mở cửa ở mức cao nhất, gần như hoàn toàn (Trung Quốc là 86% - tương đương với 9.000 dòng thuế).
Khẳng định cơ hội từ RCEP là rất lớn, song các chuyên gia cũng lưu ý, các doanh nghiệp phải tập trung tăng cường năng lực cạnh tranh, khắc phục những điểm yếu như tính không chuyên nghiệp, không đồng đều về mặt chất lượng, quy trình sản xuất... Doanh nghiệp Việt Nam trong RCEP cũng có lợi thế nhất định, thương hiệu hàng hoá sản xuất tại Việt Nam được đánh giá cao so với nhiều nước trong khu vực này. Vì vậy, nếu làm tốt các vấn đề, khắc phục điểm yếu thì doanh nghiệp có thể tận dụng tốt lợi thế từ RCEP.
Ngoài ra, đàm phán RCEP đang đi đến hồi kết, các doanh nghiệp cần cố gắng cập nhật những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi các FTA hiện có để phản hồi sớm nhất với doàn đàm phán của Chính phủ, nhằm mục tiêu khi hoàn tất RCEP sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn, hạn chế tác động bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.
Post a Comment