Trao đổi với báo chí liên quan đến những nội dung quan trọng trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này, ông Tim De Meyer, Cố vấn cấp cao về Chính sách và Tiêu chuẩn quốc tế, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) lưu ý rằng, những thay đổi trong bộ luật không phải là ban hành thêm nhiều quy định trên giấy tờ, mà phải đảm bảo đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động.
Nhiều người lao động sẽ được hưởng lợi từ sự bảo vệ của bộ luật
Đánh giá dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này của Việt Nam có nhiều thay đổi quan trọng, ông Tim De Meyer cho rằng, bộ luật là một văn bản pháp luật toàn diện, quy định nhiều nội dung như hợp đồng lao động, khả năng người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, tiêu chuẩn tối thiểu về điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn và sức khỏe lao động…
Theo ông, quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động lần này sẽ đem lại những thay đổi đáng kể, với hai nội dung quan trọng nhất. Một là, ở cấp cơ sở, người lao động có thể thành lập các tổ chức đại diện của mình và tham gia vào quá trình thương lượng tập thể. Điều này, có thể giúp người lao động được hưởng phân chia công bằng từ những lợi nhuận mà họ góp phần tạo ra.
Mặt khác cũng giúp các doanh nghiệp đảm bảo họ có thể đàm phán để cải thiện năng suất cần thiết.
Thay đổi lớn thứ hai là việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của bộ luật, nghĩa là nhiều người lao động sẽ được hưởng lợi từ sự bảo vệ của bộ luật hơn so với trước đây.
Ông cũng đánh giá, tiến bộ lớn nhất đạt được trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này là việc tiệm cận hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Cụ thể là quyền được tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động, nghĩa là họ được thành lập các tổ chức đại diện cho mình để tham gia vào các cuộc thương lượng thực chất về điều kiện làm việc.
Chuyên gia ILO cho rằng, điều này rất có ý nghĩa bởi vì giúp người sử dụng lao động cũng như người lao động điều chỉnh theo những thay đổi trong thị trường lao động và để thỏa thuận mức độ linh hoạt cần thiết nhằm duy trì tính bền vững trong thời gian dài hơn.
"Chúng tôi cũng nhận thấy những tiến bộ đạt được trong quan hệ việc làm mà giờ đây đã được đưa vào Bộ luật Lao động. Quan hệ việc làm càng được ghi nhận là một công cụ để bảo vệ người lao động làm việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Điều này càng dễ cho người lao động trong việc yêu cầu được bảo vệ trong khuôn khổ quy định của bộ luật.
Quan hệ việc làm là cánh cổng đi vào Bộ luật Lao động. Vì thế, chúng tôi hy vọng rằng điều này có thể đưa Việt Nam phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn như trong vấn đề mức lương tối thiểu sẽ có thể đảm bảo rằng thêm nhiều người lao động sẽ được hưởng mức lương tối thiểu đủ để nuôi gia đình", ông Tim De Meyer bày tỏ kỳ vọng.
Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới về pháp luật lao động?
Đánh giá về hệ thống pháp luật lao động của Việt Nam, ông Tim De Meyer cho rằng, từ trước đến nay Việt Nam luôn là nước có hệ thống pháp luật rất rộng trên giấy tờ. Tuy nhiên, khi càng đưa nhiều vào luật trong bối cảnh các hoạt động kinh tế ngày càng đa dạng hóa, thì lại càng khó để mọi người trong nền kinh tế tuân thủ theo các tiêu chuẩn được quy định trong pháp luật.
Trước thực tế này, chuyên gia ILO lưu ý Việt Nam cần thiết phải thực hiện một sự chuyển dịch quan trọng hướng tới chú trọng hơn vào tầm quan trọng của hợp đồng lao động.
Nghĩa là cho phép người sử dụng lao động và người lao động, cả ở góc độ cá nhân và tập thể, có thể thương lượng về điều kiện làm việc phù hợp nhất với tình hình của họ.
"Thế nên, tôi nghĩ rằng Việt Nam giờ đây vẫn cần phải thay đổi, nhưng không phải là ban hành thêm nhiều quy định trên giấy tờ, mà phải đảm bảo những nội dung được quy định đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động", chuyên gia ILO nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý thêm trong lần sửa đổi này Việt Nam cần tiếp tục cải thiện những vấn đề liên quan đến thúc đẩy bình đẳng.
"Chúng ta nhận thấy ngày nay bất bình đẳng gia tăng ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là bất bình đẳng thu nhập và bất bình đẳng về cơ hội. Việt Nam là một xã hội đang già hóa, vì thế một trong những vấn đề đặt ra là phải tăng năng suất, phải nâng cao trình độ kỹ năng để tận dụng tốt nhất tiềm năng về năng suất lao động của mỗi người. Điều đó có nghĩa là cần thêm nhiều người phụ nữ có thể hiện thực hóa tiềm năng của mình trên thị trường lao động và được đền đáp xứng đáng", chuyên gia ILO phân tích.
Theo ông, những phân tích ở trên có nghĩa là nhiều điều khoản theo cách tiếp cận tính bảo vệ trong Bộ Luật Lao động cần được sửa đổi. Trong đó, trợ cấp thai sản cần được củng cố, khả năng tiếp cận với dịch vụ giúp việc gia đình với giá hợp lý, bảo vệ chống quấy rối tình dục và mở ra nhiều hơn cơ hội cho phụ nữ trong các ngành nghề, hoạt động kinh tế mà trước đây không cho phép phụ nữ tham gia vì mục đích bảo vệ.
Post a Comment