Cổ nhân giảng làm người phải coi trọng tu tâm dưỡng thân, dưỡng thân tốt trước tiên cần phải chế ngự được sự tức giận. Cho nên, không dễ dàng tức giận là bước đầu để đối tốt với chính bản thân mình. Có người thắc mắc rằng, hỉ nộ ái ố là lẽ thường tình của con người, trong thế gian tràn đầy mâu thuẫn, ai mà không từng tức giận người khác đây? Nhưng bất kể là đối với an dưỡng thân thể hay là tu dưỡng tâm tính mà nói thì tức giận đều đem lại trăm cái hại, mà không có một chút lợi nào. 

không tức giận
(Ảnh minh họa qua Pinterest)

Nếu một người có thể học được bốn chữ sau thì sẽ khống chế được cảm xúc, không dễ dàng tức giận mà hại đến thân tâm của chính mình.

1. Tĩnh

Trong cuộc sống, những người tâm bình khí hòa, tâm tính ổn định sẽ không vì được mà hoan hỷ, không vì mất mà sầu bi, vô cớ bị nhục mạ mà không giận, gặp việc gấp mà không sợ hãi. Họ có thể ứng biến, thản nhiên khi mất, dửng dưng khi được.

Những người trí tuệ xưa nay đều có đặc điểm chung là nói ít, nghe nhiều. Những người có thể bảo trì được tâm tĩnh cũng có đặc điểm tương tự. Bởi vì người hay nói, nói nhiều thì vốn đã mất đi một phần yên tĩnh rồi. Hơn nữa, nói nhiều tất sẽ nói lỡ mà sinh ra mâu thuẫn.

Đứng trước mâu thuẫn, nếu một người có thể tĩnh hạ tâm xuống thì sẽ có một khoảng hòa hoãn để suy nghĩ. Chính điều đó có thể giúp họ không phát tiết, không tức giận.

2. Nhẫn

Cổ nhân nói: “Nhẫn một lúc gió êm sóng lặng, lùi một bước biển rộng trời cao.” Một người nếu có thể nhẫn nhịn không tranh biện thì tự nhiên có thể rời xa thị phi, không lo không sợ, sống một đời thong dong, tự do tự tại.

Trong tác phẩm “Bách nhẫn ca” thời nhà Đường viết: “Người nhân từ nhẫn được cả những điều mà người khác khó nhẫn. Người trí tuệ nhẫn được cả những điều mà người khác không nhẫn được. Nhẫn là không màng danh lợi nên có thể dưỡng thân. Nhẫn là đạm bạc nên có thể nuôi dưỡng nhân phẩm. Nhẫn là chịu khổ chịu khó nên sẽ sung túc. Nhẫn là không hoang dâm vô độ nên sẽ không có bệnh tật…”.

Quả thực trong cuộc sống có những người hễ gặp chuyện không vừa ý là tức giận, nổi trận lôi đình. Nhưng tức giận không chỉ không giải quyết được vấn đề mà còn làm thương tổn bản thân, làm tan vỡ các mối quan hệ. Nhẫn một chút sự tình sẽ dễ dàng qua đi.

Tất nhiên, nhẫn không phải là nhu nhược, là tùy tiện thuận theo. Nhẫn là phải biết phân biệt đúng sai, tốt xấu, không thoái nhượng trước cái ác. Nhưng đối với những sự tình trong cuộc sống thì nên tận lực nghe ý kiến của người khác, nhường nhịn một chút là cách giải quyết tốt nhất.

3. Đạm

Đạm chính là xem nhạt, xem nhẹ hết thảy. Trong thế nhân, đa phần người ta phát giận đều là do tham lam và tư tâm sinh ra. Người ta khắc khẩu khi ở trong nhà, khi ra ngoài đường, ở nơi công cộng… đều là vì một chút lợi nhỏ, hay bị thiệt hại một chút nào đó. Nếu một người có thể dưỡng tâm đạm bạc, xem nhẹ công danh lợi lộc thì tức giận tự nhiên sẽ ít đi, cũng sẽ không vì một chút lợi nhỏ mà nổi giận đùng đùng.

Danh, lợi, tình là những điều gắn liền với cuộc sống của con người trên thế gian. Việc truy cầu danh lợi tình một cách thích hợp, không khiến người khác phương hại, cũng là điều thường tình của con người thế gian. Nhưng khi một người quá suy nghĩ về công danh lợi lộc, xem nặng những điều này thì trong tâm sẽ sản sinh ra một loại cảm xúc nôn nóng, bất an, lý trí không thanh tỉnh. Khi bị tổn hại về các phương diện ấy dù chỉ một chút, họ cũng dễ dàng phát tiết, bực bội khó chịu.

Xem nhẹ danh lợi không phải là một loại thái độ bất mãn với cuộc đời. Người không ham danh lợi cũng không phải là người không có lý tưởng. Người không có tâm theo đuổi danh lợi cũng không phải là người lười biếng, tầm thường vô vị. Người như vậy có thể nhìn thấu nhân sinh, ở trong bình thản mà tìm kiếm sự khoái hoạt, ở trong tĩnh lặng mà hiểu rõ mục đích cuộc đời. Điều đó cũng khiến cái chí của họ sáng và họ có thể nhìn được xa. Từ đó họ đạt được sự thăng hoa trong tâm linh và bản thân được thản nhiên tự tại, không vướng mắc vào các mâu thuẫn danh lợi tình nơi thế gian này.

4. Ơn

Người luôn mang trong mình tấm lòng biết ơn mọi người, biết ơn trời đất và vạn vật thì sẽ không dễ tức giận.

Chúng ta trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày sẽ luôn gặp những chuyện không vừa ý, dễ khiến người ta phải tức giận. Nhưng nếu chúng ta có thể chuyển hóa tâm tức giận thành lòng biết ơn, hóa tức giận thành ôn hòa thì đã đạt đến cảnh giới tinh thần cao thượng rồi.

Hãy biết ơn người làm tổn thương chúng ta, bởi vì họ đã tôi luyện ý chí của chúng ta. Hãy cảm ơn người làm chúng ta trượt ngã bởi vì họ đã gia tăng sức mạnh cho chúng ta. Hãy cảm ơn người trách cứ chúng ta bởi vì họ đã giúp chúng ta học được nhẫn nại. Hãy cảm ơn hết thảy sinh mệnh kết duyên cùng chúng ta bởi vì sự tồn tại của những sinh mệnh ấy đã khiến cuộc đời chúng ta thêm muôn màu muôn vẻ.

An Hòa

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top