Tôi quen em qua một lần đi công tác. Em rất tốt và hợp với tôi, duy có điều cản trở tôi là em từng trải qua một lần hôn nhân.

Tôi là chàng trai 36 tuổi, từng trải qua một vài mối tình nhưng có lẽ chưa tới duyên nên chưa có được mái ấm riêng cho mình. Người con gái tôi mới quen đang chăm một cậu con trai 4 tuổi. Khi quen em, tôi không nghĩ nhiều, chỉ thấy mình gặp được đúng người, thấy hai đứa vô cùng hợp, cả về tính cách và sở thích. Tôi luôn nghĩ sẽ cùng em đi nốt quãng đời còn lại, ở tuổi này cũng mong muốn có một mái ấm riêng.

Cách đây không lâu, tôi dẫn em về ra mắt bố mẹ, ban đầu mọi người khá quý em, còn giục tôi nhanh làm đám hỏi rồi tổ chức đám cưới. Sau khi biết em từng trải qua một lần hôn nhân thì bố mẹ tôi lại đùng đùng nổi giận, trách mắng, mặc tôi ra sức bảo vệ em. Bố mẹ còn nói từ tôi nếu tiếp tục mối quan hệ này. Có những lần căng thẳng quá, ông bà đuổi thẳng tôi ra khỏi nhà và tuyên bố không có con cái gì nữa nếu tôi cố tình lấy. Thực sự trong tâm gan tôi rất rối bời, không nỡ xa người yêu, bởi em yêu tôi không có gì sai, cả hai hợp nhau. Bố mẹ quyết tâm ngăn cản vậy tôi lại sợ mình trở thành đứa con bất hiếu. Mong chuyên gia, độc giả VnExpress và đặc biệt có ai có hoàn cảnh giống như này hãy cho tôi những lời khuyên xác đáng. Xin chân thành cảm ơn.

Hoàng

Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:

Gửi chàng trai 36 tuổi đang trên con đường xây dựng mái ấm cho chính mình!

Cảm ơn bạn đã gửi những dòng tâm sự trong lúc tâm trạng còn rối bời với những suy nghĩ và mong muốn của bản thân. Cảm nhận khách quan của tôi với tư cách là một người ngoài cuộc, bạn là người con có hiếu, luôn cố gắng suy nghĩ chu toàn mọi việc theo cách hoàn hảo nhất có thể, đồng thời cũng là một người tương đối tích cực khi có mong muốn tìm giải pháp để xử lý vấn đề thay vì lảng tránh. Với tất cả sự tôn trọng, tôi xin bày tỏ sự khâm phục và trân trọng với những nỗ lực mà bạn đã cố gắng trong suốt khoảng thời gian qua.

Hiển nhiên, việc chấp nhận một mâu thuẫn chưa thể giải quyết không phải là một cảm xúc dễ chịu gì. Tôi xin đưa ra một vài phân tích dưới góc độ chuyên môn như một hình thức chia sẻ khó khăn trong tình trạng hiện tại này cùng bạn. Đầu tiên, phải khẳng định vấn đề cốt lõi khiến các bên đều đau khổ xuất phát từ việc giao tiếp không hiệu quả. Bố mẹ không muốn từ bạn hay đuổi bạn ra khỏi nhà, bạn không muốn từ bỏ hạnh phúc hiện tại, bố mẹ không phải là những người căm ghét trẻ con đến mức ghét lây cả người xung quanh. Những vấn đề đấy, nếu thực sự xuất hiện thì đã xuất hiện ngay khi có cơ hội rồi chứ không chỉ đơn thuần ở dạng lời nói. Có điều chúng vẫn xuất hiện trong những cuộc tranh luận và không thể thống nhất để đi đến một kết luận chung.

Tôi cho rằng giả thuyết hợp lý nhất trong hoàn cảnh hiện tại chính là: toàn bộ những thứ được nhắc đến trong mọi cuộc tranh luận đều được dùng để phủ lấp một thứ khác quan trọng hơn không được nhắc đến, đó chính là nỗi sợ. Nỗi sợ lớn đến mức bạn không dám đối diện để vượt qua chúng, giành lấy hạnh phúc mà bạn xứng đáng, bởi chúng xuất hiện dưới hình dạng một người con bất hiếu. Nỗi sợ đó cũng lớn đủ để bố mẹ bạn cảm thấy bất lực, chỉ có thể thể hiện ra bằng sự tức giận và cáu gắt, có thể chúng đến dưới dạng một gia đình mất hết thể diện, sỹ diện, do có một đứa con dâu không toàn vẹn, không giống như một người bình thường. Nỗi sợ đó đủ mạnh để khiến cho bố mẹ bạn quên đi có một mục tiêu lớn lao và cao cả hơn trong hoàn cảnh hiện tại là làm sao để bạn có hạnh phúc, ông bà có con dâu hiếu thảo, gia đình sống hòa thuận.

Nỗi sợ mơ hồ và vô hình giữa các bên lớn đến mức làm tê liệt tất cả những người phải đối diện với nó, một chút suy nghĩ thoáng qua cũng đủ để người trong cuộc phải phủ lấp bằng vô vàn lý do vốn không hề liên quan gì đến cuộc sống hiện tại. Nỗi sợ dọa ta rằng có những điều kinh khủng sẽ xảy đến trong tương lai nếu quyết định sai và ta chẳng thể làm gì để thay đổi điều đấy. Trên thực tế, những quyết định sai do nỗi sợ mang lại thường nhiều hơn việc đưa ra một quyết định tự bản thân thấy phù hợp với mình.

Một bà mẹ vì sợ ô danh có thể cầm tù con mình trong nhà, một đứa trẻ sợ thất bại trong thi cử dẫn đến áp lực có thể tự sát, một người vợ sợ chồng phản bội nên theo dõi và kiểm soát gắt gao mọi hoạt động của chồng... Những ví dụ trong thực tế có rất nhiều và chúng đều có chung một kết quả, một cấu trúc không thay đổi: sợ hãi khiến con người ta mất trí và đưa đến toàn điều sai lầm.

Bạn đang sợ, tôi hiểu điều đấy, bạn sợ mất đi tình yêu cũng như sợ mình mất đi vai trò của một người con ngoan, hiếu thảo với bố mẹ. Không ai bắt bạn phải rời bỏ tình yêu chỉ vì bố mẹ không đồng ý, cũng không ai phủ nhận sạch trơn những gì bạn từng làm cho bố mẹ và gọi bạn là kẻ bất hiếu chỉ vì dám nêu và bảo vệ chính kiến của mình. Bạn 36 tuổi, đã trưởng thành, xứng đáng được lựa chọn cũng như tận hưởng hạnh phúc mà bạn cho là đúng. Chắc chắn, trên con đường kiến tạo mái ấm cho chính mình, bạn sẽ có đủ sức mạnh để chiến thắng nỗi sợ này. Rất may mắn là nỗi sợ có yếu điểm của chính nó, nó sợ khi bị chỉ mặt, định danh và đặt tên, sợ khi mọi người nói thẳng vào chính nó. Lúc đó, nỗi sợ không còn chút quyền lực hay sức mạnh nào để sai khiến con người phải làm theo ý nó muốn. Nó chỉ đơn giản là tan biến khi ta nói về nó mà thôi.

Điều này dẫn đến vấn đề thứ hai cần quan tâm trong thời điểm này: Thay vì nói về những cái mà bạn sợ, liệu bạn và bố mẹ có thể nói về những cái mà cả hai bên cùng muốn hay không? Tôi tạm diễn giả những thông tin ở trên mà bạn cung cấp như sau: Chúng ta cáu giận và đuổi con ra khỏi nhà vì sợ bản thân hai kẻ già cả không thể chịu nổi sức ép từ mọi người xung quanh. Chúng ta muốn có một cô con dâu mà mọi người đều khen ngợi, làm ta thấy tự hào và con trai ta hạnh phúc. Tôi sợ mình là một kẻ bất hiếu vì đã cãi lại bố mẹ, không chăm lo cho bố mẹ lúc tuổi già. Tôi muốn bố mẹ và vợ tương lai có thể sống hòa thuận dưới một mái nhà, mọi người đều yêu thương và chăm sóc lẫn nhau. Tôi muốn bố mẹ chấp nhận và hạnh phúc với sự chăm sóc của tôi.

Nói về điều ta sợ, kết quả sẽ luôn là sự hỗn loạn và đau khổ. Nói về điều ta muốn, ta nhận được sự tích cực, cảm thông và thấu hiểu. Hãy nói về điều mà bạn muốn, đừng nói về điều bạn sợ. Một vài lần nỗi sợ có thể chiếm lĩnh lấy cơ thể và tinh thần khiến bạn tê liệt, nhưng hãy thử đến khi bạn chỉ nói về điều bạn muốn mà thôi. 36 là độ tuổi đủ chững chạc và cứng cáp để lập gia đình, tôi tin rằng bạn cũng có đủ mạnh mẽ để vượt qua nỗi sợ tạm thời, đạt đến cuộc hôn nhân mà bạn hằng mơ ước. Chúc mọi điều an lành sẽ sớm đến bên bạn và gia đình.

Độc giả gọi vào số để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top