Gửi vợ! Gần 20 năm nay cứ đến năm học mới là anh và em lại tranh luận, thậm chí cãi nhau về chuyện học hành của con. Anh cứ tưởng đây là năm cuối cùng chúng ta nói về chuyện này, ai ngờ hôm qua nghe em dạy dỗ con gái: Con đừng có nghe bố, con cái là gia tài quý nhất, phải chọn trường mà học. Còn thằng Nam, một năm nữa chú ý học làm sao đỗ Ngoại thương. Anh nghe mà thấy dựng cả tóc gáy và định tranh luận với em nhưng sợ cả nhà mất vui. Cả đêm mất ngủ, suy nghĩ miên man, hình ảnh các cô gái trẻ địu con trước bụng, địu con sau lưng hối hả phóng xe đưa rước con làm anh liên tưởng tới con gái mình, không còn lâu nữa nó cũng vậy. Ở cái thành phố hơn 10 triệu dân đông như mắc cửi, chở con kiểu ấy nguy hiểm lắm. Cầu mong nó lấy được thằng chồng có xe ô tô và thời gian đưa rước con cho con gái mình đỡ khổ.
Sáng nay, định nhắc lại chuyện tối qua nhưng chợt nghĩ hôm nay mùng một đầu tháng anh lại thôi. Cả một quãng đường dài trong cuộc đời anh là đưa đón và học cùng con. Con học mẫu giáo anh phải học hát. Con học lớp một anh phải học viết. Rồi cứ vậy anh học đến bao giờ không học được nữa. Mỗi lần đưa đi học xa nhà em lại nói cứ đi đi, con cái học kém quá, hôm nọ toán chỉ được 8, văn chỉ có 7 thôi đấy, về mà dạy con, em chịu. Những lúc như vậy đau cả đầu. Hôm trước đi chơi con trai tâm sự: Con sắp thoát rồi. 11 năm học là 11 năm con học không phải cho con mà cho bố mẹ, cho thầy cô. Lúc nào con cũng bị áp lực phải là học sinh giỏi. Học sinh lớp 11 mà khi thầy cô gọi lên bảng cứ cúi mặt nhìn xuống chân vì sợ nói sai ý thầy cô. Con luôn bị áp lực bởi phải được điểm 10. Con sắp thoát rồi.
Anh kể với em thì em bảo không nghe trẻ con. Anh và em nhìn lại những gì đã diễn ra để thấy rằng anh đúng chỗ nào, em đúng chỗ nào, từ đó mong em đừng gây áp lực cho con. Khi con trong tuổi đi mẫu giáo. Em nhờ vả xin cho con học trường mầm non cách nhà 4 cây số trong khi đó gần nhà cũng có trường. Em lý giải học trường điểm tốt hơn. Anh phản đối, học trường nào mà chẳng vậy, trẻ con chỗ nào gần và thuận lợi thì cho con học. Khi thấy con được phiếu bé ngoan hàng tuần, biết múa, biết hát em hài lòng rồi chế giễu anh. Khi biết trường gần nhà cô không đút cơm cho các cháu thì anh thấy em đúng quá. Bây giờ nhiều chuyện bảo mẫu hành trẻ anh càng thấy em đúng.
Khi con đủ tuổi học lớp một, em chạy khắp nơi nhờ xin vào trưởng điểm quốc gia, lớp cô dạy giỏi cấp thành phố. Chiều nào đón con anh cũng có một nhiệm vụ duy nhất là hỏi con được điểm mấy. Con được 9 thì hỏi có nhiều bạn được 9 không. Hôm nào con toàn điểm 10, cả nhà vui như hội. Nếu được 8 là các con đến khổ. Quan điểm của anh, học sinh tiểu học đọc thông viết thạo, cộng trừ nhân chia đến 2 con số không nhầm lẫn là ổn, sao cứ biến con mình thành siêu nhân? Anh với em đi làm bây giờ có thoát khỏi 4 phép tính nhân chia cộng trừ không mà cứ bắt con phải làm cái gì ghê gớm. Còn với em, phải học thêm thì mới bắt kịp thời đại, con mới được điểm 10, mới là học sinh giỏi.
Anh có quan điểm học sinh trung học cơ sở chỉ cần viết ra những thứ mình thấy, những thứ mình biết, nắm được kiến thức cơ bản về tự nhiên và xã hội, điều quan trọng là giao tiếp được bằng một ngoại ngữ. Còn em yêu cầu phải học thêm toán, văn và ngoại ngữ, các môn này phải từ 9 phẩy trở lên. Các môn khác phải từ 8,5. Thế là cả nhà theo mệnh lệnh của em, học tối ngày; còn anh như ông xe ôm. Em biết không, anh sợ nhất những lúc em dọn dẹp phòng của các con. Nếu mà em tìm thấy một bài kiểm tra con bị điểm kém (dưới 8) con sợ đem giấu đi là em quát ầm ầm như thể cháy nhà. Những lúc như vậy anh chỉ còn cách nhanh chóng đưa con đi học, dù còn rất sớm để trốn chạy.
Cuối mỗi học kỳ con được học sinh giỏi cả nhà ta hoan hỷ, rạng rỡ mặt mày, đón hè ngập nắng. Vào lớp 6 con không phải thi, em chỉ bắt anh đi xin vào lớp đầu khối, chuyện này vất vả nhưng anh làm được. Khổ nhất đó là thi vào lớp 10. Em yêu cầu phải là trường tốp đầu thành phố. Anh lại kỳ công sưu tầm đủ các thông tin về các trường. Trường nào lấy bao nhiêu điểm, chỉ tiêu bao nhiêu, số liệu qua các năm thế nào. Anh đã vận dụng hết kiến thức hệ 10 năm để tính toán con sẽ đăng ký thi trường nào để em duyệt. Khi con đỗ trường chuyên, lớp chuyên anh mừng quá. Không phải mừng cho con mà mừng vì em đã toại nguyện. Nghe em gọi điện khoe mọi người mà anh thấy hãnh diện. Đúng là có học thêm vẫn hơn.
Niềm vui chẳng được bao lâu. Em bắt anh đi tìm thầy giỏi để dạy con học thêm ở nhà. Con em phải học giỏi, đỗ đại học trường quốc gia nhưng phải là hàng đầu Việt Nam. Anh nhiều lần nói với em: Đừng làm tội trẻ con. Học như thế thì còn gì là tuổi học trò. Anh và em học hệ 10 năm, thi đại học lần 2 mới đỗ. Vậy mà bây giờ anh và em đi làm cũng có kém ai. Sao mình cứ bắt con phải là kẻ đứng đầu? Học trung học phổ thông chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản và đỗ tốt nghiệp là được. Vấn đề quan trọng nhất trong ba năm cuối phổ thông, anh và em phải hướng nghiệp cho con. Xem con có điểm mạnh gì trong nghề nghiệp để hướng cho cho về nghề đó. Học đại học là học nghề, ở đâu bán nghề thì mình mua. Mua trong hiệu sách, mua ở trường đời, mua trong trường học. Mà trường học bây giờ nhiều lắm, chỉ có điều có học hay không thôi.
Khi đi làm thì vấn đề ở chỗ áp dụng kiến thức vào thực tế, nhà tuyển dụng cần người làm chứ không cần người có nhiều bằng cấp. Anh không chê bằng cấp, anh muốn em xác định cái nào quan trọng hơn cái nào. Trường nào có nhiều sinh viên ứng dụng tốt kiến thức vào thực tế là trường tốt. Còn học trường có tiếng nhưng không biết áp dụng vào thực tế thì chẳng khác gì chưa học. Điều này thì anh đúng. Con mình không học trường quốc gia nhưng có việc làm ngay khi ra trường, làm ở đâu cũng được nhận xét là nhanh nhẹn, có xu hướng phát triển. Vậy còn gì hơn nữa.
Năm nay anh thấy thi cử lại có thay đổi. Em đừng quá lo. Đâu cũng vào đó. Với sức học của con thì thi kiểu gì cũng tốt nghiệp. Cứ học đều các môn, tổng hợp hay tổ hợp cũng không sợ. Có điều em đừng bắt con đứng đầu. Còn đại học? Thật dễ. Có nhiều trường, nhiều cơ hội để lựa chọn. Không nhất thiết cứ phải đỗ đại học, càng không nhất thiết phải đỗ trường hàng đầu. Vấn đề ở chỗ chúng ta phải tin con cái. Con cái chăm chỉ, ngoan ngoãn là chúng ta hạnh phúc rồi. Nếu không đỗ đại học thì vất vả và tốn kém chút ít, nhưng không phải là mất mát mà chính là động lực để con quyết tâm học nghề.
Anh và em chịu khó đi làm, tiết kiệm và dành tiền cho con học ngoại ngữ, kiếm lấy một trường học nghề cho vững thế là con có việc làm, gia đình ta hạnh phúc. Em có đọc được tâm sự này thì đừng trách anh đem chuyện nhà ra xã hội nhé. Anh nhờ trang báo này vì không thể nói thẳng được với em. Hơn nữa chuyện nhà ta cũng gần giống chuyện của nhiều nhà khác. Biết đâu giải pháp của nhà ta được nhiều nhà hưởng ứng.
Văn
Post a Comment