Trong suốt nửa thế kỷ qua, ánh sáng bí ẩn ở Mỹ khiến người dân và giới khoa học vô cùng tò mò và đi tìm lời giải.
Hàng trăm người dân Michigan đã nhìn thấy ánh sáng bí ẩn ở Mỹ suốt nhiều năm qua. Không chỉ người dân mà nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã cố gắng đi tìm lời giải về tia chớp sáng màu trắng bí ẩn phát ra từ cánh rừng ở bang Michigan nhưng đều chưa có kết quả.
Paulding Light là hiện tượng chớp sáng màu trắng bí ẩn xuất hiện ở khu rừng phía bắc bang Michigan, gần tiếp giáp biên giới Wisconsin, Mỹ. Ánh sáng bí ẩn này đã thu hút sự chú ý của hàng trăm người kể từ khi được quan sát lần đầu tiên vào những năm 1960. Mỗi năm, hàng chục người đã đổ xô đi xem chớp sáng màu trắng bí ẩn đó.
Theo Daily Mail, một nhóm nam sinh trung học báo cáo về chớp sáng Paulding Light cho một cảnh sát địa phương vào năm 1966. Kể từ đó, hiện tượng bí ẩn này trở thành một huyền thoại ở phía Bắc Michigan. Một số thợ săn ma tin rằng, chớp sáng bí ẩn đó là do linh hồn của nạn nhân bị tàu hỏa đâm trúng làm ngọn đèn đu đưa. Một số người khác nhận định đó là hồn ma của một người ông đang tìm kiếm đứa cháu mất tích.
Jason Lannet, 43 tuổi, chủ sở hữu Paulding General Store, là người đã chứng kiến rất nhiều người đổ xô đến khu vực đó để chiêm ngưỡng ánh sáng bí ẩn.
"Tôi đã nhìn thấy chớp sáng bí ẩn đó ở nơi có 50 ô tô, cả hai bên đường và cả phía sau. Tôi đã giúp hơn 1 triệu người nhìn thấy chớp sáng đó bởi vì họ không tìm được vị trí chính xác nơi nó xuất hiện", ông Lannet chia sẻ.
Hiệp hội Lâm nghiệp Mỹ đã dựng lên một tấm biển báo để mọi người biết họ đang ở vị trí tốt nhất để quan sát hiện tượng siêu nhiên bí ẩn trên.
Năm 2010, giáo sư kỹ thuật Jeremy Bos, 39 tuổi, khi đó là sinh viên ở Trường công nghệ Michigan đã quyết định tìm hiểu nguồn phát ra ánh sáng bí ẩn trên. Ông nhờ Hiệp hội Kỹ sư Thiết bị Quang học Ảnh cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra hiện tượng khiến nhiều người đau đầu.
Sau khi tới khu rừng và sử dụng máy quang phổ cùng kính viễn vọng, ông cùng các chuyên gia xác định chớp sáng bí ẩn thực chất là ánh đèn pha từ những chiếc xe hơi chạy trên đường cao tốc gần đó.
Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương không đồng tình với cách giải thích này. Nhiều người tiếp tục đổ xô đến Michigan mỗi năm để xem Paulding Light nhấp nháy qua những ngọn cây lúc chạng vạng tối.
Post a Comment