Theo Phó chủ tịch Vinasa Mai Duy Quang, quy định "không được vào Việt Nam hai lần visa trong vòng ba tháng" là một trong những khó khăn gây cản trở trong việc hỗ trợ cho khởi nghiệp.
Cách đây hai hôm, một nhà đầu tư của Mỹ đã phải hoãn cuộc gặp với doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) ở Việt Nam vì không được vào Việt Nam hai lần visa trong vòng ba tháng. Phải đợi hết ba tháng mới được vào.
Câu chuyện trên được ông Mai Duy Quang, Giám đốc The Founder Institute, Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) đưa ra tại cuộc tọa đàm về cách mạng số và quốc gia khởi nghiệp trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2016) tổ chức cuối tuần qua.
Đây cũng được xem là một trong những khó khăn gây cản trở trong việc hỗ trợ cho khởi nghiệp, đồng thời gợi mở ra vấn đề “Việt Nam liệu có cần thiết kế visa riêng cho khởi nghiệp”.
Theo ông Quang, Úc, Mỹ và nhiều quốc gia khác, Chính phủ đã thiết kế riêng visa cho khởi nghiệp.
Ví dụ như Mỹ. Trung tuần tháng 8/2016, Chính quyền tổng thống Obama đã công bố một điều luật mới khằm giúp các doanh nhân trên khắp thế giới có thể dễ dàng hơn trong việc mở một công ty khởi nghiệp tại Mỹ. Cụ thể là Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ (DHS) đã công bố The White House’s International Entrepreneur Rule (Luật doanh nhân quốc tế của Nhà Trắng).
Với luật trên, Chính phủ Mỹ sẽ cấp visa tạm thời cho các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp đến từ những quốc gia khác bên ngoài Mỹ trong trường hợp công ty của họ đáp ứng được những yêu cầu nhất định như huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ.
Theo quy định, để được cấp loại visa khởi nghiệp này, các doanh nhân phải sở hữu 15% một doanh nghiệp start-up Mỹ, chứng minh được tiềm năng tăng trưởng của công ty, các khoản đầu tư từ những nhà đầu tư Mỹ chất lượng và những lợi ích cho cộng đồng có thể mang lại, ví dụ như tăng vốn đầu tư, tạo việc làm hoặc doanh thu…
Câu chuyện trên của ông Quang, tất nhiên chỉ là một gợi ý mở, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và xác định 5 năm tới là 5 năm quốc gia khởi nghiệp. Bởi vậy, việc thiết kế visa riêng cho khởi nghiệp tại Việt Nam (nếu cần thiết) thì các cơ quan chức năng chắc chắn sẽ cần thời gian để bàn thảo, xây dựng.
Theo Phó chủ tịch Vinasa, thời gian qua, cộng đồng khởi nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía Chính phủ và các cơ quan quản lý. Năm 2015, số lượng start-up đã tăng hơn gấp đôi so với 2014, và 6 tháng đầu năm 2016, cả số lượng start-up và độ lớn trong khoản đầu tư đã lớn hơn nhiều so với năm 2015.
Tuy nhiên, theo ông Quang, như ví dụ trên, nếu chính sách dành cho khởi nghiệp được điều chỉnh, tạo sự thông thoáng, giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, thì start-up trong nước trong nhiều trường hợp sẽ không bị lỡ cơ hội.
Trong một góc nhìn tương tự, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa cho rằng, có những quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ rất lâu nhưng quy mô đầu tư đâu đó chỉ khoảng chục triệu USD, trong khi một số nước trong khu vực ASEAN, quỹ này đã đầu tư lên tới cả nửa tỷ USD thậm chí hơn. Theo ông Bình, các nhà đầu tư vào Việt Nam, họ muốn đầu tư với tốc độ rất nhanh, có thể tính đơn vị ngày, tuy nhiên, thủ tục của ta lại phải tính theo tháng.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nói với tôi rằng, vấn đề lớn nhất, vướng mắc lớn nhất hiện nay để phát triển đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam chính là quy trình riêng cho vấn đề đầu tư mạo hiểm, ông Bình nói.
Post a Comment