Nếu có thể thoát được các vụ tấn công của người ngoài hành tinh hay tránh được thiên thạch va chạm, Trái Đất vẫn không thể tránh khỏi sự hủy diệt của Mặt Trời trong tương lai không xa.
Theo Business Insider, Jillian Scudder, nhà thiên văn học của trường đại học Sussex (Anh) cho biết, ngày tàn của Trái Đất sẽ đến sớm hơn dự tính.
Mặt trời duy trì sự tồn tại bằng cách đốt cháy các nguyên tử Hydro và Heli trong lõi của nó. Thực tế, mỗi giây, Mặt trời đốt cháy hơn 600 triệu tấn Hydro. Và khi lõi Mặt trời bão hòa Heli, nó co lại, khiến phản ứng tổng hợp hạt nhân tăng lên. Điều này đồng nghĩa với việc Mặt trời tỏa ra nhiều năng lượng hơn. Cứ sau chu kỳ một tỉ năm đốt cháy Hydro, Mặt trời lại nóng hơn 10%.
Và khi mà 10% ấy tưởng chừng như không đáng kể thì nó lại có thể là thảm họa đối với Trái Đất.
"Những dự đoán về điều sẽ xảy ra với Trái đất khi Mặt trời nóng hơn trong hàng tỷ năm tới vẫn chưa thể chắc chắn. Nhưng khi Mặt trời nóng lên sẽ khiến nước bốc hơi khỏi bề mặt và được giữ lại trong bầu khí quyển. Lớp hơi nước trong bầu khí quyển lúc này sẽ đóng vai trò như khí nhà kính, tiếp tục đẩy nhanh quá trình bốc hơi", Scudder phân tích.
Trước khi Mặt trời đốt cháy hết Hydro, những tia sáng đầy năng lượng sẽ tập trung về bầu khí quyển của Trái đất. Khi đó, chúng sẽ "tách rời các phân tử và nước sẽ chuyển hóa dưới dạng Hydro và Oxy. Cuối cùng, Trái đất sẽ khô cằn".
Nhưng mọi việc vẫn chưa dừng ở đó. Với mức tăng 10%/ tỷ năm, trong 3,5 tỷ năm nữa, mặt trời sẽ sáng hơn khoảng 40%. Điều này sẽ khiến băng ở hai cực tan chảy, nước của các đại dương trên Trái đất sẽ bốc hơi và độ ẩm trong không khí gần như không còn.
Khi ấy, hành tinh từng nhộn nhịp sự sống của chúng ta sẽ trở nên cực kỳ nóng, khô cằn như sao Kim.
Mọi chuyện rồi cũng đi tới hồi kết. Và khoảng 4-5 tỷ năm sau, Mặt trời sẽ dùng hết lớp Hydro và bắt đầu đốt cháy lớp Heli thay thế. "Khi Hydro cạn kiệt trong lõi của Mặt trời, ngôi sao này sẽ không còn như trước đây và có thể coi như là một ngôi sao khổng lồ màu đỏ. Mặt trời khi ấy sẽ dành khoảng 1 tỷ năm để mở rộng và đốt cháy Heli trong lõi của nó", nhà thiên văn học của trường đại học Sussex cho biết.
Khi Mặt trời chiếu rọi qua lớp bên ngoài của nó, khối lượng của nó sẽ giảm đồng thời lực hút tới các hành tinh khác cũng giảm theo. Vì vậy, các hành tinh quay quanh mặt trời sẽ trôi ra xa hơn. Tới thời điểm Mặt trời trở thành một ngôi sao đỏ rực, lõi của nó sẽ nóng cực độ và dày đặc trong khi lớp bên ngoài mở rộng. Bầu khí quyển bên ngoài của nó sẽ trải tới quỹ đạo của sao Hỏa, 'nuốt chửng' sao Thủy và sao Kim.
Trái đất khi đó có hai lựa chọn - hoặc là trốn thoát khỏi sự mở rộng của Mặt trời hoặc là bị nó phá hủy. Nhưng ngay cả khi hành tinh của chúng ta thoát khỏi tầm mở rộng của Mặt trời, nhiệt độ cực cao của nó cũng khiến Trái đất là một hành tinh chết.
Post a Comment