Một du khách tìm thấy dấu chân khủng long 130 triệu năm tuổi trong lúc đi dạo trên bờ biển Cable, Australia.
Du khách Bindi Lee Porth tìm thấy dấu chân khủng long 130 triệu năm tuổi ở bãi biển Cable, thị trấn Broome, miền Tây Australia.
Trong lúc nhặt vỏ sò trên bờ biển, Porth cảm thấy có vết lõm dưới chân. Sau khi gạt bỏ lớp cát, cô tìm thấy dấu vết loài khủng long. "Nó đẹp và giống như dấu chân chim", Porth nhận xét.
"Dấu chân ba ngón có thể là của loài khủng long ăn thịt Megasauropus Broomensis. Đây là loài đặc trưng chỉ có ở bán đảo Dampier", tiến sĩ Salisbury, nhà cổ sinh vật học, giảng viên lâu năm trường Đại học Queensland, Australia, cho biết.
Sau khi đo kích thước dấu chân, tiến sĩ Salisbury nhận định nó có phần hông cao khoảng 1,5–1,8 m. Ông cho đây là một phát hiện thú vị. "Điều đặc biệt của thị trấn Broome và bờ biển ở đây là du khách có thể vừa đi dạo vừa khám phá những dấu vết như thế này", Salisbury cho biết.
Trên bán đảo Dampier có rất nhiều dấu chân của các loài khủng long thuộc kỷ Phấn trắng như khủng long ăn thịt, khủng long chân thằn lằn, khủng long ăn cỏ và nhiều loài khác. Đây là vùng duy nhất ở Australia có dấu vết khủng long.
Hai tháng trước , các nhà khoa học Argentina thông báo vừa phát hiện hóa thạch một loài khủng long ăn thịt, cao tới 6m, từng sống từ 90 triệu năm trước ở vùng Patagonia, miền Nam Argentina.
Theo nhà khảo cổ học Sebastián Apesteguía, thuộc Trung tâm Văn hóa-Khoa học Buenos Aires, loài khủng long này chưa từng được phát hiện từ trước tới nay.
Khi mới khai quật, các chuyên gia cho rằng đây là loài khủng long chân thú carnosaurus hoặc giganotosaurus, tuy nhiên thực tế cho thấy chưa từng bắt gặp hóa thạch tương tự.
Điều đặc biệt của chi khủng long này là tay trước có 2 ngón, với hình dáng tương tự khủng long bạo chúa tiranosaurius.
Ông Apesteguía khẳng định đây là một phát hiện quan trọng bởi đây là loài khủng long ăn thịt mới chưa từng được phát hiện ở Nam Mỹ. Argentina được mệnh danh là nghĩa địa của các loài khủng long.
Post a Comment