Dựa trên kết quả chụp X-quang tuyến vú và lịch sử bệnh án của bệnh nhân, AI (trí thông minh nhân tạo) có thể phát hiện ung thư vú nhanh hơn bác sĩ 30 lần.
Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát triển một phần mềm dựa trên nhận thức của hệ thống máy móc (machine learning) có thể dự đoán chính xác nguy cơ ung thứ vú của bệnh nhân dựa trên kết quả chụp X-quang tuyến vú và lịch sử bệnh án cá nhân nhanh hơn bác sĩ 30 lần.
Hệ thống này có thể giúp các bác sĩ đưa ra chẩn đoán tốt hơn ngay ở lần đầu tiên.
“Phần mềm này có thể tự động đánh giá hàng triệu bản ghi nhớ trong một khoảng thời gian ngắn một cách thông minh.
Điều này giúp chúng ta có thể xác định được khả năng ung thư vú hiệu quả hơn chụp X-quang tuyến vú của bệnh nhân và giảm những xét nghiệm hóa sinh không cần thiết” - Stephen Wong, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết.
Chụp X-quang tuyến vú hay còn gọi chụp nhũ ảnh là một phương pháp được sử dụng phổ biến để phát hiện bất cứ tế bào nào có khả năng gây ung thư trước khi bệnh nhân có các triệu chứng phát sinh.
Tại nhiều quốc gia, phụ nữ trên 50 tuổi được khuyến khích đi xét nghiệm lâm sàng ung thư vú 2 năm một lần.
Tuy nhiên, có 50% xét nghiệm này ở Mỹ cho kết quả dương tính giả khiến bệnh nhân hoang mang. Nói cách khác, cứ 2 người phụ nữ khỏe mạnh thì có 1 người bị xét nghiệm nhầm là mắc ung thư vú.
Bên cạnh đó, những bệnh nhân bị chuẩn đoán “có nguy cơ mắc ung thư vú” cũng sẽ phải trải qua nhiều đợt xét nghiệm sinh hóa. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, có đến 20% các xét nghiệm sinh hóa ở Mỹ là không cần thiết và AI (trí thông minh nhân tạo) sẽ giúp giảm thiểu tỷ lệ này.
Theo đó, các phần mềm máy tính sẽ được đưa vào sử dụng để giúp đỡ các bác sĩ phân tích hình ảnh chụp X-quang tuyến vú của bệnh nhân.
Sau đó, hệ thống sẽ tiếp tục phân tích bản scan báo cáo kết quả của bác sĩ cũng như lịch sử bệnh án của bệnh nhân để có thể chẩn đoán chính xác nguy cơ mắc ung thư vú.
Trong một xét nghiệm gần đây nhất, các nhà khoa học đã sử dụng AI để phân tích kết quả X-quang tuyến vú của 500 bệnh nhân có nguy cơ mắc ung thư vú. Kết quả chỉ trong vài giờ, phần mềm này đã đưa ra những thông tin chẩn đoán và xác định được tỷ lệ mắc ung thư vú của từng bệnh nhân.
Để chắc chắn, các nhà nghiên cứu tiếp tục kiểm tra chéo kết luận chẩn đoán của AI với các kết quả xét nghiệm lâm sàng trước đó và cho thấy phần mềm này chẩn đoán chính xác đến 99%.
Tất nhiên, không có gì là hoàn hảo và phương pháp này cũng không thể ngăn chặn chính xác 100% các kết quả chụp X-quang tuyến vú dương tính giả bởi có những trường hợp không đủ thông tin để đưa ra kết luận. Nhưng chắc chắn phương pháp này sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn.
“Chúng tôi mong muốn phần mềm này có thể chẩn đoán chính xác bệnh ung thư vú, cũng như nhiều loại ung thư khác, nhanh hơn và chính xác hơn nhằm bảo vệ mạng sống của con người trong cuộc chạy đua với thời gian và tránh được những xét nghiệm căng thẳng không cần thiết” – ông Wong cho biết.
Post a Comment