Trước đề xuất chi 5.000 tỷ đồng để làm mưa nhân tạo của ông Phan Đình Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần KHCN An Sinh Xanh, Đà Nẵng, nhiều chuyên gia cho rằng, dự án này không khả thi.

Xin ứng 5.000 tỷ đồng thay trời làm mưa: Giới khoa học lên tiếngThế giới chưa làm được mưa trên diện rộng

Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo, thí nghiệm đầu tiên về tác động lên mây để gây mưa được thực hiện vào cuối những năm 1940 của thế kỷ trước.

Trong thập kỷ tiếp theo, nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và Liên Xô đã tập trung nghiên cứu rất kỹ về vấn đề này. Người ta đã nghĩ tới 1 ngày nào đó có thể bấm 1 nút vào buổi sáng để quyết định ngày hôm đó mưa hay nắng, và con người có thể điều khiển được thiên nhiên.

Đã có nhiều nước nghiên cứu rất bài bản để tác động làm thay đổi thời tiết và tuyên bố thành công. Tuy vậy, các kết quả kiểm chứng của các nhà khoa học Mỹ cho thấy hầu như các nghiên cứu trên thế giới chỉ giải thích rõ được cơ chế tác động để biến mây thành mưa, nhưng không giải thích rõ được cơ chế tăng lượng mưa tới mức thương mại khi tác động.

Thông thường, các trận mưa có lượng mưa đủ để cải thiện đáng kể tình trạng hạn hán phải có nguồn cung cấp lượng ẩm từ các quá trình hoàn lưu khí quyển quy mô lớn. Tác động làm mưa nhân tạo tại một quy mô rất nhỏ không thể huy động đủ lượng ẩm để tạo ra các trận mưa đáng kể. Như vậy, có thể làm mưa nhân tạo, nhưng lượng mưa tạo được không hiệu quả về mặt kinh tế.

TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về môi trường và tài nguyên nước cho biết, ở thời điểm hiện tại, các nghiên cứu mới nhất của thế giới cũng chưa cung cấp được kết quả nào khác hơn với những nhận định trước đây rằng, chưa thể làm mưa nhân tạo ở quy mô lớn, có hiệu quả kinh tế. Tương tự, GS.TS Đinh Văn Ưu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết, trên thế giới đã triển khai thành công mưa nhân tạo nhưng ở phạm vi rất nhỏ, chẳng hạn như một trang trại.

Đang chờ bộ, ngành xem xét

Đem các ý kiến của chuyên gia trao đổi với ông Phan Đình Phương, ông cho biết, ông không nói suông và cũng không làm giống với thế giới. Ông Phương từng là người sáng chế công nghệ phòng cháy chữa cháy thủy khí hóa hơi sương được Mỹ cấp bằng độc quyền sáng chế.

Theo ông Bùi Thế Duy, Chánh văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ, trước đó, Công ty Cổ phần KHCN An Sinh Xanh đã có văn bản gửi đến Bộ Khoa học và Công nghệ xin đề xuất thực hiện dự án này với hai hợp phần.

Hợp phần một là triển khai thử nghiệm tiến tới hiện thực hóa ý tưởng dùng công nghệ “Phun lửa tạo mây” và “Phun nước bùng nổ thủy khí hóa hơi sương AERO-HYDRODYNAMIC FLASHING FOG ANSINH 1.500” để gây mưa nhân tạo tại Bán đảo Sơn Trà, rừng Hải Vân, mở rộng ra cả dãy Trường Sơn và cả nước. Hợp phần hai là xây dựng nhanh đê kè lưu giữ nước ngọt giúp dân chống hạn và ngập mặn.

Theo ông Duy, Công ty Cổ phần KHCN An Sinh Xanh không gửi đề nghị thẩm định công nghệ mà gửi đề xuất thực hiện dự án. Ngày 26/7/2016, Bộ Khoa học và Công nghệ có văn bản trả lời.

Theo Bộ KH&CN, các đề xuất của dự án thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng (ở hợp phần gây mưa nhân tạo), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường (hợp phần 2 của dự án).

Vì vậy, Bộ KH&CN kiến nghị, Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ An Sinh Xanh nên trao đổi trực tiếp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để làm rõ hơn và thống nhất về nội dung đề xuất.

Ông Phương cũng cho biết ông đã gửi tài liệu hơn 100 trang về dự án đến Chính phủ và 7 bộ ngành từ 9/9 và hiện đang chờ hồi âm.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top