Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải tạo điều kiện hơn nữa để người dân được nói lên bức xúc của mình. Đây là kiến nghị của các đại biểu tại phiên họp đầu tiên trong khuôn khổ Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, chiều 18/9. 

Trình bày báo cáo Kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, Ủy ban đã thông qua 3 chương trình hành động.

Đó là, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ…

Đồng thời, phối hợp phát động Giải báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí".

Nhiệm kỳ vừa qua, các nội dung công tác và hoạt động của Mặt trận tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, giảm bớt tính hình thức. Hoạt động của Mặt trận đã đóng góp tích cực vào việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia lao động, sản xuất, công tác và học tập, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Thay mặt đại hội trình bày báo, ông Hầu A Lềnh cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua, trong đó nhấn mạnh đến việc bày tỏ thái độ, chính kiến của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực trước một số vấn đề cấp bách, vấn đề mới phát sinh đang thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân vẫn có lúc còn chưa kịp thời.

Việc tham gia xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và phản biện xã hội, chăm lo, bảo vệ, đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân tuy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng hiệu quả ở một số nội dung, lĩnh vực còn chưa cao.

Một số kiến nghị, phản ánh trong giám sát và phản biện xã hội chưa sâu sắc, chưa đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời, phản hồi các kiến nghị hậu giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân mặc dù đã được quan tâm hơn, song có lúc, có nơi, có việc còn thiếu quyết liệt.

Cho rằng báo cáo đã kiểm điểm khá chi tiết hoạt động của Mặt trận trong nhiệm kỳ vừa qua, nhưng trong nội dung thảo luận PGS.TS, Đô đốc Lê Kế Lâm, đoàn đại biểu Tp Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn cho rằng, một vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian vừa qua là biển đông lại chưa được đề cập. PGS.TS Lê Kế Lâm cho rằng, hiện nay quyền tài phán của Việt Nam đang bị xâm hại, nhưng báo cáo lại thiếu vắng nên đề nghị xem xét bổ sung thêm nội dung này vào báo cáo.

Trong khi đó, GS Nguyễn Lân Dũng, đoàn đại biểu Tp Hà Nội cũng chỉ rõ, vẫn còn tình trạng không ít đơn thư của người dân được chuyển lòng vòng và chưa được xem xét một cách thấu đáo. Chẳng hạn liên quan đến đơn thư trong vấn đề đất đai, GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, rất nhiều năm có tình trạng đất đai của người dân bị tước đoạt để phục vụ mục đích phi nông nghiệp, trong khi nhận mức đền bù với giá "không thể chấp nhận được".

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những vụ án oan sai, không nhận được sự đồng tình của nhân dân. Với những tồn tại như vậy, GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh rằng, càng dân chủ thực sự sẽ càng dễ dàng phát hiện và chống tham nhũng, càng dễ chọn được người tài.

"Vì vậy, tôi mong mặt trận các cấp tạo điều kiện hơn nữa để người dân được nói lên bức xúc của mình, có quy chế để đại biểu có thể chuyển đơn trả lời của người dân trong thời hạn nhất định", GS. Nguyễn Lân Dũng đề xuất.

Góp ý dưới góc độ doanh nghiệp, doanh nhân Lê Thị Nam Phương, đoàn đại biểu Tp. Đà Nẵng cho rằng, Việt Nam đang có thời cơ trong bối cảnh hội nhập quốc tế, do đó kiến nghị Mặt trận cần tập hợp mạnh hơn nữa, kêu gọi sự đồng lòng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp để cùng chung tay phát triển đất nước. Đồng thời, tranh thủ thời cơ trong các hiệp định thương mại tự do được ký kết, cũng như khai thác tối đa các lợi thế đang có.

Trong khi đó, GS.TS. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, đoàn đại biểu Tp. Hà Nội cho rằng, Mặt trận đã làm rất tốt nhưng mỗi nhiệm kỳ vẫn chưa tạo được dấu ấn riêng.

Lấy dẫn chứng về một trong những vấn đề nóng gần đây liên quan đến ô nhiễm môi trường sau sự cố cháy nhà máy Rạng Đông ở Hà Nội, GS.TS Trần Đình Long cho rằng, hơn 144 cơ sở phải di dời ra khỏi Hà Nội nhưng cuối cùng 20 năm chỉ dời được có 4 cơ sở.

"Mặt trận Tổ quốc có dấu ấn gì, phải làm sao đề xuất yêu cầu giải quyết bằng được vấn đề này. Nên có quyết sách, kiến nghị để làm sao 2 - 3 năm nữa có thể di dời toàn bộ không những nhà máy độc hại mà cả những bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô", GS.TS Trần Đình Long đề xuất.

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 18/9 đến 20/9/2019. Đại hội sẽ có phiên khai mạc trọng thể vào sáng mai (19/9), dự kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sẽ tới dự và phát biểu chỉ đạo tại đại hội.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top