Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung với báo chí về vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) bên lề buổi làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp vừa diễn ra.

"Không có chuyện ở lại để chiếm chỗ của lớp trẻ"

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động từ năm 2021, nhưng vấn đề này thời gian vừa qua nhận được nhiều cách hiểu khác nhau, Bộ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về đề xuất này?

Tại dự thảo luật, thời điểm dự kiến sẽ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là từ 1/1/2021 theo lộ trình nam mỗi năm tăng 3 tháng, nữ tăng 4 tháng, đảm bảo bình ổn thị trường lao động.

Như vậy, đến năm 2028 mới có người nam đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62, đến năm 2035 mới có người nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, chứ không phải Quốc hội quyết là tất cả mọi người đến năm 2021 nữ cứ thế tăng lên 60 tuổi và nam là 62 tuổi, đây là cách hiểu không đúng. Phải hiểu rõ, tinh thần là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường chứ không phải trong điều kiện nặng nhọc, độc hại hay đối tượng điều chỉnh tuổi nghỉ hưu dài hơn.

Với những người có trình độ cao, làm quản lý thì có thể phải xem xét để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu muộn hơn, cụ thể như: nhà khoa học, giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ…Để tận dụng chất xám, tài năng của họ chúng ta phải điều chỉnh để kéo dài nhưng ở đây phải hội tụ đủ 3 điều kiện.

Trước hết là cơ quan, doanh nghiệp ấy có nhu cầu muốn những người này ở lại, hai là bản thân họ phải đủ sức khỏe cũng như tiêu chuẩn để đảm bảo phục vụ tốt cho công việc, ba là người lao động phải có nhu cầu.

Đáp ứng đủ 3 yêu cầu này mới kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhưng số lượng này cũng không nhiều. Ngoài ra, có một nguyên tắc nữa là khi ở lại, những người này chỉ làm chuyên môn, không giữ chức danh quản lý nữa. Như vậy, không có chuyện ở lại để giữ ghế, chiếm chỗ của lớp trẻ.

Cũng phải lưu ý thêm, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thường phải làm rất sớm. Có những người nói với tôi bây giờ điều chỉnh sợ lao động thanh niên đang dư thừa. Tôi nói thế này, hiện nay Việt Nam không còn ở đỉnh cao của dân số vàng, mà bắt đầu từ năm 2011 chúng ta đang chuyển dần từ dân số vàng sang giai đoạn đang già. 

Đến năm 2035 – 2040, Việt Nam bắt đầu giai đoạn rơi vào dân số già tương đối lớn, như vậy điều chỉnh ở đây là cho tương lai, phải có tầm nhìn xa nhưng hành động phải mau lẹ.

Để đến năm 2035 – 2040 chúng ta mới điều chỉnh thì đã rơi vào giai đoạn dân số già rồi, khi đó Việt Nam sẽ gánh hậu quả rất lớn. Nếu như bây giờ chúng ta không có một tầm nhìn xa và hành động ngay thì chính chúng ta đã truyền lại gánh nặng cho con cháu.

Lao động nặng nhọc độc hại có thể được nghỉ hưu sớm đến 10 năm

Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về những ngành nghề nặng nhọc độc hại sẽ được quyền nghỉ hưu sớm?

Những lao động nặng nhọc, độc hại, suy giảm khả năng lao động và ở vùng đặc biệt khó khăn thì có cơ chế điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp. Về điều này, hiện nay chúng ta đang có danh mục 1.748 lĩnh vực, công việc nặng nhọc, độc hại. Nhóm này sẽ điều chỉnh chậm hơn và ở độ tuổi nghỉ hưu thấp hơn.

Do đó, trong quá trình thiết kế chính sách phải cụ thể hóa tới từng danh mục, từng công việc, vị trí việc làm để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.

Hiện Chính phủ đang giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với tất cả các ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ 1.748 lĩnh vực công việc nặng nhọc, độc hại. Trên cơ sở đó, Bộ cũng sẽ cùng với các cơ quan, căn cứ vào các tiêu chí để thẩm định từng vị trí, chức danh nghề nghiệp, công việc thuộc diện nặng nhọc, độc hại.

Những người làm công việc nặng nhọc, độc hại đương nhiên có quyền nghỉ hưu sớm hơn 5 năm. Nhưng, nếu như cũng nặng nhọc, độc hại mà lại cộng thêm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì họ có quyền nghỉ hưu sớm hơn tới 10 năm.

Đương nhiên nghỉ hưu sớm hơn 5 – 10 năm thì kèm theo đó là chúng ta phải thiết kế toàn bộ các chính sách khác như chính sách về bảo hiểm xã hội cũng như các chính sách trợ giúp khác, chứ không phải chỉ có mỗi Bộ luật Lao động này.

Nhiều người lao động lo ngại việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ khiến quỹ Bảo hiểm xã hội bị vỡ, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?

Một trong những mục đích khi chúng ta điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là hướng tới bảo toàn, phát triển bền vững Quỹ bảo hiểm xã hội. Có những người lo lắng hay vì sợ vỡ quỹ mà phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, tôi nói ngay đây chỉ là tiến tới một mục tiêu chứ không phải vì nguy cơ vỡ quỹ.

Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ an sinh, quỹ lớn nhất của một quốc gia, và quỹ này không bao giờ có khái niệm vỡ. Qũy do Nhà nước bảo lãnh và Nhà nước có trách nhiệm với quỹ. Nhưng để bảo toàn, phát triển quỹ thì phải thực hiện trên cơ sở 3 nguyên tắc.

Một là những người tham gia bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng hưởng, hai là bình đẳng chia sẻ, ba là trên cơ sở có sự điều chỉnh phối hợp giữa thế hệ này với thế hệ sau. Như vậy, hiện nay quỹ của chúng ta kết dư tương đối lớn.

Vấn đề hiện nay là Nhà nước cũng như hội đồng quản lý quỹ phải tính toán phương án, cách thức để bảo toàn quỹ này, nhưng đồng thời sử dụng quỹ vào những công việc hợp lý để phát triển quỹ. Đi liền với đó, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội với 11 nội dung, trong đó tiến tới quỹ này càng ngày càng mở rộng và chắc chắn phải đảm bảo tốt hơn trong hoạt động.

Quỹ này không thể đưa vào kho bạc hay ngân hàng rồi để đấy được. Hướng chung là Nhà nước tập trung vào hai việc, một là phát hành trái phiếu Chính phủ, hai là cho những công trình quốc gia của Nhà nước. Việc hưởng lãi suất, bảo toàn quỹ là Nhà nước phải đứng ra, do đó không có chuyện Nhà nước không đảm bảo an toàn cho quỹ.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top