"Mạng xã hội Lotus thành công hay không thành công phụ thuộc rất nhiều vào chúng ta. Chính những người dùng trải nghiệm Lotus, cùng phát triển Lotus. Chặng đường Lotus phải đi còn dài", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ ra mắt mạng xã hội Việt Lotus, tối 16/9/2019 tại Hà Nội.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, không có sự sáng tạo nào lớn hơn chính sự sáng tạo của những người dùng, và đấy là sức mạnh của Việt Nam.

Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cho rằng, Internet có những chu kỳ 15 năm. Chu kỳ 15 năm thứ nhất là xây dựng hạ tầng và nền tảng của một thế giới trực tuyến với những tên tuổi như Cisco, Microsoft. Chu kỳ thứ hai là điện thoại di động, truyền thông xã hội, là kinh tế nền tảng với những tên tuổi như Facebook, Google và Apple.

Hai chu kỳ này đều gắn với các công ty Internet, phần nhiều là các công ty toàn cầu. Chu kỳ thứ 3 có thể coi bắt đầu từ năm 2015, khi internet sẽ được tích hợp vào mọi phần của cuộc sống con người. Những tên tuổi mới sẽ xuất hiện, sẽ không chỉ là các công ty internet nữa. Không chỉ nội dung và cộng đồng nữa, mà phải có thêm ngữ cảnh.

"Một ngữ cảnh cụ thể sẽ sinh ra tri thức và giá trị cụ thể… Một ngữ cảnh Việt Nam, một bài toán Việt Nam sẽ phải có một lời giải Việt Nam", ông Hùng nói và cho rằng, trong làn sóng Internet thứ 3 này sẽ là cơ hội cho các công ty địa phương sử dụng công nghệ toàn cầu để giải bài toán địa phương. Làn sóng Internet thứ ba này cũng cần có văn hoá mới, văn hoá hợp tác, không phải là sự phá huỷ của làn sóng thứ 2 mà là sự phá huỷ mang tính hợp tác.

Vì thế, theo ông Hùng, mạng xã hội rồi cũng cần một cách tiếp cận mới. Giá trị khổng lồ được cộng đồng tạo ra không thể để một người làm nền tảng hưởng hết mà phải được chia sẻ. Cộng đồng có nhu cầu được kiểm soát luật chơi, họ phải là chủ nhân cuộc chơi chứ không phải là nạn nhân của những thuật toán giấu kín.

Hơn nữa, đã là nền tảng phải đủ sạch để tạo ra môi trường lành mạnh. Những gì vi phạm những giá trị cốt lõi của nhân loại, của đạo đức xã hội phải được nền tảng tự động loại bỏ. Phải đề cao hợp tác với các ngành, cá nhân để đưa lên nền tảng các giá trị mới. Doanh nghiệp nền tảng cũng phải bảo vệ cá nhân người dùng, không như gần đây một số doanh nghiệp lộ dữ liệu cá nhân người dùng, thậm chí bán dữ liệu cho bên thứ ba.

Mạng xã hội Lotus chính là sản phẩm của làn sóng Intertnet thứ ba, một tiếp cận theo cách mới, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Hùng cũng cho rằng cần trân trọng với lòng dấn thân của một doanh nghiệp Việt Nam - VCCcorp - đã đầu tư vào một thị trường khó, đã bị thống trị bởi những gã khổng lồ toàn cầu, làm một việc mà không ít doanh nghiệp Việt Nam khác đã thử và thất bại, làm một việc mà tâm lý xã hội nói chung cho là không khả thi.

"Nhưng nếu VCCorp không làm, và không ai làm nữa. Không chỉ ở đây mà nhiều lĩnh vực khác thì Việt Nam chúng ta sẽ ra sao. Việt Nam là nước đi sau, sẽ không có việc gì dễ còn lại cho chúng ta nhưng chúng ta không nhìn đó là thách thức mà là cơ hội. Bởi vì việc dễ không tạo ra người tài, việc trung bình tạo ra người trung bình, việc khó tạo ra người giỏi và việc vĩ đại tạo ra người vĩ đại", Bộ trưởng Hùng chia sẻ.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chặng đường mà Lotus phải đi còn dài, còn nhiều khó khăn phía trước. Sẽ là quá sớm để nói về thành công với Lotus, nhưng cái mà Lotus cần kiên trì là nghĩ lớn, giải quyết đúng bài toán, mô hình kinh doanh rõ ràng, và cách tiếp cận khác biệt.

Trước đó, trong phần giới thiệu về mạng xã hội Lotus ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp, cho biết một trong những tính năng đáng chú ý nhất của Lotus đó là cho phép người dùng kể chuyện bằng hình ảnh, đồng thời tạo ra các ghi chú giàu hình ảnh (rich media note), và tập trung chú trọng trải nghiệm song song cả hai nền tảng là máy tính (PC), và thiết bị di động (mobile).

Lotus còn cho phép xem tin tức, xem câu chuyện bằng hình ảnh. Đặc biệt, người dùng có thể tích lũy công cụ token qua quá trình sử dụng nội dung, như đọc tin, chia sẻ tin, hay tạo ra nội dung cho nền tảng…

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top