Không gian mạng, nhất là mạng xã hội đang bị các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm triệt để lợi dụng hoạt động chống phá, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Sáng 12/9, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định năm 2019 công tác này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh quốc gia, Bộ trưởng cho biết đã đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động lưu vong, số chống đối trong nước.
Tuy nhiên, qua công tác nắm tình hình cho thấy, các tổ chức phản động lưu vong, đối tượng chống đối trong nước tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá; triệt để lợi dụng các sự kiện chính trị nhạy cảm, vụ việc gây bức xúc dư luận để kêu gọi, phát động biểu tình, nhằm gây rối an ninh, trật tự.
An ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Không gian mạng, nhất là mạng xã hội đang bị các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm triệt để lợi dụng hoạt động chống phá. Tình hình khiếu kiện tuy giảm mạnh về số vụ, nhưng cẫn còn rất phức tạp, khó giải quyết dứt điểm...Bộ trưởng khái quát.
Tội phạm tham nhũng, kinh tế diễn ra phức tạp
Về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, kết quả được nêu tại báo cáo là đã phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ.
Kết quả đặc biệt được Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh là đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ. Phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm (điển hình là phát hiện vụ sản xuất xăng giả quy mô lớn trên nhiều tỉnh phía Nam).
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhận định, qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xu hướnglợi dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả diễn ra nghiêm trọng.Tình trạng lợi dụng triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, triển khai thực hiện các dự án, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tài sản nhà nước vẫn còn tiềm ẩn phức tạp.
Tình trạng "tham nhũng vặt" trong giải quyết thủ tục hành chính công gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp...
Tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; lĩnh vực thuế, hải quan; lĩnh vực đầu tư, xây dựng; lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; lĩnh vực công thương; lĩnh vực y tế; lĩnh vực giáo dục; lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch... còn diễn ra phức tạp, Bộ trưởng báo cáo.
Người nước ngoài lợi dụng địa bàn Việt Nam phạm tội
Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông , Bộ trưởng cho biết đã tăng cường đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên Internet, mạng xã hội. Yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, chỉ đạo triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phát hiện, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm liên quan đến thanh toán thẻ, thanh toán điện tử; tội phạm cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet; các băng nhóm tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam.
Kết quả cụ thể là đã phát hiện 287 vụ,437 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông, tin học; khởi tố 127 vụ, 258 bị can.
Bộ Công an nhận định, tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại lớn. Hành vi ngày càng đa dạng, gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Tình trạng tội phạm sử dụng mạng viễn thông, Internet để lừa đảo; đánh bạc, tổ chức đánh bạc với quy mô lớn xảy ra tại nhiều địa phương. Đáng lưu ý, tình trạng người nước ngoài lợi dụng địa bàn Việt Nam để phạm tội sử dụng công nghệ cao (lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng...) có chiều hướng gia tăng, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Post a Comment