Chính phủ còn chưa quyết định được thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng không thể nào thảo luận kỹ lưỡng đầy đủ được, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thứ nhất tại buổi họp chiều 17/9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Theo chương trình, từ 14h đến 15h30 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo) Nguyễn Chí Dũng bận nên Thứ trưởng Vũ Đại Thắng trình bày tờ trình dự án luật của Chính phủ.

Ông Thắng cho biết, luật này sửa đổi 34 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014 và sửa đổi 66 điều, bãi bỏ 2 điều, bổ sung 1 chương về hộ kinh doanh, bao gồm 5 điều và 8 điều của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Phạm vi sửa đổi này, theo Uỷ ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra dự án luật) là khá lớn, trong khi cả 2 luật này mới được sửa đổi toàn diện năm 2014, có hiệu lực từ 1/7/2015, thời gian thực thi luật chưa dài.

Trường hợp cần thiết sửa đổi như dự kiến nêu trên, đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét cho phép tách dự án luật này thành dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để thuận lợi trong quá trình triển khai, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.

Từ vị trí điều hành, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết cũng mới nhận được văn bản ký cùng ngày với tờ trình dự án luật. Văn bản này đề nghị tách thành hai luật, nhưng tờ trình thì lại là một luật sửa hai luật thì không hiểu là thế nào. Nếu tách ra làm hai thì phải làm đúng quy trình, từ lập ban soạn thảo đến xin ý kiến... phải đầy đủ.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và một số ý kiến khác cũng cho rằng, với phạm vi sửa đổi như tờ trình thì cần tách thành hai luật.

Trước đó, việc một luật sửa hai luật hay tách thành hai luật riêng cũng đã từng được Chính phủ đề cập.

Theo nghị quyết của Quốc hội thì chỉ có một luật sửa hai luật và có tên gọi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Nhưng, tại tờ trình số 357 ngày 27/8/2019 phục vụ phiên thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, Chính phủ đã đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép tách thành 2 dự án là Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), vì quy mô và mức độ sửa đổi, bổ sung là khá lớn.

Uỷ ban Kinh tế cũng đã tiến hành thẩm tra hai luật riêng biệt.

Tại phiên họp chiều 14/9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý là nếu tách thành hai luật thì phải thực hiện đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phải được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khi đó cho biết, Chính phủ lại xin trình một luật sửa hai luật như dự kiến ban đầu.

Và chiều 17/9 Chính phủ trình một luật sửa hai luật, nhưng đồng thời có văn bản xin tách thành hai.

Lưu ý về quy trình xây dựng pháp luật, đồng thời chỉ ra một số vấn đề không chuẩn tại dự thảo, như mở rộng khái niệm doanh nghiệp Nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhận định nội dung sửa rất lớn, đụng chạm đến rất nhiều vấn đề, cần thiết phải hoàn chỉnh hồ sơ để tách thành hai luật.

Ông Định cũng đề nghị, những cuộc như thế này, nếu Bộ trưởng vắng thì Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực phải có mặt, nếu Chính phủ thấy chưa chín thì mới có thể xin rút, chứ Thứ trưởng thì khó có thể quyết định xin rút được.

Nhấn mạnh là mục tiêu đặt ra tại dự thảo đã vượt quá xa với dự kiến ban đầu là sửa một số điều thực sự cần thiết, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển để nghị Chính phủ cần khẳng định, nếu sửa 1 số điều thì rút gọn lại cho hợp lý để đảm bảo tính cần thiết như mục tiêu ban đầu. Còn nếu tách thành hai luật, sửa toàn diện thì phải theo đúng trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sửa điều nào phải đánh giá tác động đầy đủ.

Chính phủ có công văn gửi cho hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, đồng gửi Thường vụ Quốc hội yêu cầu phải tách ra thành hai luật, nhưng hôm nay vẫn trình một luật sửa hai luật thì Thường vụ chông chênh không thảo luận được, ông Hiển nói.

Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị, sau khi Chính phủ khẳng định chính thức sẽ theo hướng nào thì làm thủ tục trình bổ sung vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội và chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào phiên họp 38 (tháng 10/2019).

Cần thiết thì rất cần thiết nhưng không thể quên chất lượng, Thườnng vụ lo lắng nhất là tính thống nhất của cả hệ thống pháp luật, liệu luật sửa rồi có ảnh hưởng gì đến môi trường đầu tư không. Hôm qua mới có dự thảo Luật PPP thôi mà các doanh nghiệp đã có văn bản tới tấp gửi lên, ông Hiển nói.

Chốt lại, Phó chủ tịch Hiển nhấn mạnh, Chính phủ cũng chưa quyết định được là một luật hay hai luật thì Thường vụ Quốc hội không thể nào thảo luận kỹ lưỡng đầy đủ được.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top