Sáng 11/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí để Lào Cai được nâng cấp Sapa từ huyện lên thị xã, theo tiêu chí "trường hợp đặc biệt".
Về sự cần thiết thành lập thị xã Sapa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói, thời gian qua Lào Cai đã tập trung đầu tư phát triển Sapa thực sự trở thành trung tâm du lịch lớn của Lào Cai, cả nước và khu vực Đông Nam Á. Hàng năm, số lượng khách du lịch đến Sapa tăng 23,4%/năm (riêng năm 2018 đã đón trên 2,5 triệu lượt khách). Trên địa bàn Sapa hiện có 571 cơ sở dịch vụ, gồm các khách sạn từ 1 đến 5 sao, 34 đơn vị kinh doanh lữ hành...
Từ khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thông xe đến nay, Sapa đã trở thành khu du lịch đại chúng, nảy sinh nhiều bất cập về văn minh du lịch, thương mại, cần phải có mô hình tổ chức quản lý phù hợp để giải quyết tốt những phát sinh về an ninh trật tự và bảo vệ môi trường.
Chính phủ cho rằng, thành lập thị xã Sapa trên cơ sở huyện Sapa là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để chuyển đổi mô hình quản lý từ chính quyền địa phương ở nông thôn (huyện) sang chính quyền địa phương ở đô thị (thị xã), bảo đảm thực hiện tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã và đang có tốc độ đô thị hoá nhanh.
Phương án chính phủ đề xuất là thành lập thị xã Sapa trên cơ sở toàn bộ 681,37 km² diện tích tự nhiên, quy mô dân số 81.857 người và 18 đơn vị hành chính xã, thị trấn của huyện Sapa.
Thẩm tra nội dung này, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết Sapa có những đặc điểm đặc thù về điều kiện tự nhiên; về quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia; về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội,....
Vì vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Chính phủ có thể xác định Sapa thuộc trường hợp đặc biệt để áp dụng quy định tại điểm a khoản 2 điều 31 của nghị quyết số 1211. Theo đó, mặc dù Sapa chưa đủ 5/5 tiêu chuẩn theo quy định, nhưng vì tính chất đặc thù, chỉ riêng Sapa có nên có thể được thành lập thị xã trước khi đạt được những tiêu chuẩn quy định tại điều 6 của nghị quyết số 1211.
"Tuy nhiên, đây là trường hợp rất hãn hữu, đặc thù, đặc biệt nên đề nghị chỉ cho riêng Sapa được phép áp dụng quy định này. Đề nghị Chính phủ lưu ý trong quá trình xem xét, xây dựng các đề án khác về địa giới hành chính cần rà soát, quát triệt thật kỹ, tránh tạo tiền lệ cho việc vận dụng quy định này để đề nghị thành lập đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn", Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Cũng tại phiên họp sáng 11/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thành lập thị xã Kinh Môn trên cơ sở nguyên trạng 165,33 km2 (16.533,55 ha) diện tích tự nhiên và dân số 203.638 người của huyện Kinh Môn. Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 14 phường thuộc huyện Kinh Môn.
Với Quảng Ninh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thành lập phường Hoàng Quế thuộc thị xã Đông Triều trên cơ sở toàn bộ 14,88 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 8.914 người của xã Hoàng Quế.
Thành lập phường Hồng Phong thuộc thị xã Đông Triều trên cơ sở toàn bộ 7,38 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 8.605 người của xã Hồng Phong.
Thành lập phường Tràng An thuộc thị xã Đông Triều trên cơ sở toàn bộ 9,53 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 6.960 người của xã Tràng An.
Thành lập phường Yên Thọ thuộc thị xã Đông Triều trên cơ sở toàn bộ 10,21 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 11.436 của xã Yên Thọ.
Post a Comment