Bằng các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khác nhau, Kiểm toán Nhà nước phát hiện Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) và đơn vị kiểm toán độc lập đã tính toán chênh lệch cả nghìn tỷ đồng khi xác định giá trị doanh nghiệp tại Vicem trước cổ phần hóa.

Báo cáo kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của Công ty mẹ - Tổng công ty Vicem vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi Bộ Xây dựng.

Theo báo cáo, khi thực hiện kiểm toán kết quả xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, Kiểm toán Nhà nước xác định tài sản Vicem thời điểm tháng 10/2018 là 28.227 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 27.803 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo định giá xác định tài sản doanh nghiệp chỉ là 27.057 tỷ đồng (vốn Nhà nước 26.633 tỷ đồng).

Như vậy, tổng tài sản doanh nghiệp cũng như tổng giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã "bị" định giá thấp hơn 1.169 tỷ đồng.

Khi xác định giá trị Vicem theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định tổng giá trị phần vốn nhà nước tại Vicem đạt 25.127 tỷ đồng, tăng khoảng 1.747 tỷ đồng so với con số báo cáo của Vicem (23.379 tỷ đồng).

"Đánh rơi" nghìn tỷ giá trị vô hình

Sở dĩ việc định giá tài sản doanh nghiệp giữa Kiểm toán Nhà nước với Vicem và đơn vị kiểm toán độc lập - Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC có sự chênh lệch cả nghìn tỷ đồng như trên được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra do giá trị doanh nghiệp đã không được tính giá trị quyền khai thác khoáng sản của một số công ty con trực thuộc Vicem và tính toán chưa đầy đủ giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp.

Cụ thể, tại thời điểm 1/10/2018, các công ty TNHH MTV của Tổng công ty Vicem đang được cấp tổng cộng 9 giấy phép khai thác khoáng sản là đá vôi và đá sét để khai thác sản xuất xi măng. Trong đó Vicem Hoàng Thạch có 4 giấy phép, Vicem Hải Phòng 3 giấy phép, Vicem Tam Điệp 2 giấy phép; thời gian được phép khai thác còn lại từ 2-30 năm tùy từng giấy phép. Tổng trữ lượng được phép khai thác hàng năm là 9,56 triệu tấn đá vôi/năm và 1,9 triệu tấn đá sét/năm.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, căn cứ vào giá mua bán đá, mức thuế tài nguyên, nhân với sản lượng khai thác theo giấy phép, giá thành khai thác của các đơn vị để xác định giá trị quyền khai thác các mỏ đá vôi, đá sét của các công ty TNHH là 1.193 tỷ đồng (trong đó Vicem Hoàng Thạch là 325,8 tỷ đồng, Vicem Hải Phòng là 523,6 tỷ đồng và Vicem Tam Điệp là 344,4 tỷ đồng).

Phần vốn nhà nước tại Vicem cũng chưa được tính toán đầy đủ khi Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC xác định tài sản phi hoạt động là các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào các công ty chưa niêm yết (Công ty Xi măng Chinfon, Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam, Công ty Xi măng Nghi Sơn) lại chỉ căn cứ theo báo cáo tài chính (giá trị sổ sách) do vậy chưa đảm bảo được giá trị thị trường của các khoản đầu tư.

Kiểm toán Nhà nước ước tính giá trị khoản đầu tư của Công ty mẹ - Vicem vào Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam tại thời điểm 1/10/2018 là 3.660 tỷ đồng (tiếp cận theo phương pháp thu nhập, ước tính giá trị theo dòng tiền dự báo trong tương lai), tăng hơn 2.421 tỷ đồng so với mức 1.238 tỷ đồng của đơn vị định giá.

Như vậy nếu được xác định theo phương pháp trên thì giá trị phần vốn nhà nước của Công ty mẹ - Vicem tại thời điểm 1/10/2018 theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức sẽ là 27.549 tỷ đồng. Công ty Xi măng Chinfon và Công ty Xi măng Nghi Sơn không xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn.

Kiến nghị điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp

Qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã nêu hàng loạt kiến nghị đối với Tổng công ty mẹ - Vicem, đơn vị tư vấn Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC và Bộ Xây dựng.

Theo đó, Vicem cần phối hợp với Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC điều chỉnh kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm 1/10/2018. Đồng thời khẩn trương làm việc với các cơ quan có thẩm quyền được phê duyệt phương án sử dụng đất đối với các lô đất trên địa bàn Tp.Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng; xác định đầy đủ giá trị các lô đất để đưa vào giá trị doanh nghiệp và phần vốn nhà nước để tránh thất thoát.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị đơn vị tư vấn - Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC - kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc còn để những sai sót, tồn tại trong công tác xác định giá trị doanh nghiệp tại công ty mẹ - Vicem và các đơn vị thành viên.

Đối với bộ chủ quản Xây dựng – tiếp tục xem xét các tồn tại, bất cập trong việc xử lý tài chính, tuân thủ phương án sử dụng đất của Công ty mẹ và các đơn vị được kiểm toán như công nợ không đối chiếu được nhưng chưa được xử lý, các chi phí đầu tư dở dang của các dự án đầu tư đang bị dừng, giãn đầu tư nhưng chưa được xem xét xử lý…; Chỉ đạo Công ty mẹ - Vicem khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai đối với các lô đất chưa được phê duyệt phương án sử dụng trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp. Và Bộ Xây dựng cần "rút kinh nghiệm đối với tồn tại, hạn chế trong việc xử lý tài chính, định giá doanh nghiệp đã nêu trong báo cáo kiểm toán".

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top