Thực tế nhiều dự án giá đất bồi thường cho dân thấp hơn nhiều so với giá đất doanh nghiệp chuyển nhượng cho người khác sau khi đầu tư, nên dân không đồng thuận, khiếu nại kéo dài, Chính phủ nêu một trong những nguyên nhân khiến tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp.
Chiều 11/9, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết năm 2019, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng (kỳ họp Trung ương, Quốc hội, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ -Triều tại Hà Nội ...) và các ngày nghỉ lễ, tết của đất nước.
Đã xử lý 388 người vi phạm
Theo báo cáo, trong năm 2019 có 478.237 lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 4,3% so với năm 2018), với 304.180 vụ việc (tăng 9,1%), có 4.611 lượt đoàn đông người (giảm 0,6%).
Các cơ quan hành chính tiếp nhận 299.544 đơn thư các loại, có 194.469 đơn đủ điều kiện xử lý (chiếm 64,9% tổng số đơn tiếp nhận), trong đó có 58.717 đơn khiếu nại, 22.199 đơn tố cáo với 23.357 vụ việc khiếu nại, 8.401 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước.
So với năm 2018, số đơn thư các loại tiếp nhận giảm 7%; đơn khiếu nại giảm 5,5%, đơn tố cáo giảm 11,3%, số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giảm 6,8%, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 6,6%.
Về kết quả, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 27.130 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 85,4%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 205,5 tỷ đồng, 24,1 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.889 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 597 người (đã xử lý 388 người), chuyển cơ quan điều tra 20 vụ, 26 đối tượng.
Khiếu nại về đất đai tiếp tục tăng
Cũng như nhiều năm trước, số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (67,7% tăng 5,9% so với năm 2018), trong đó tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khiếu nại, tranh chấp đất đai có nguồn gốc là đất do nông, lâm trường quản lý, liên quan đến sử dụng đất an ninh, quốc phòng, việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, khiếu kiện, tranh chấp tại các dự án bất động sản, thu phí tại các trạm BOT.
Về tố cáo, nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ, bao che cho cấp dưới gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước. Một số trường hợp người khiếu nại chuyển sang tố cáo, chủ yếu là do kết quả giải quyết khiếu nại chưa đáp ứng được nguyện vọng của người khiếu nại.
Phân tích nguyên nhân của tình hình, khiếu nại tố cáo hiện nay, Chính phủ cho rằng một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, nhất là trong lĩnh vực đất đai.
Như quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã có nhiều thay đổi theo hướng ngày càng có lợi cho người có đất bị thu hồi, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết được các trường hợp mới, nhưng lại phát sinh các trường hợp bị thu hồi từ những năm trước so bì, phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Việc thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp đầu tư, thực hiện các dự án có mục đích thương mại do có sự chênh lệch địa tô nên mặc dù vụ việc đã được giải quyết theo pháp luật nhưng công dân không nhất trí, tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài với thái độ gay gắt, bức xúc.
Một số vụ việc khiếu nại về nhà đất do lịch sử để lại công dân vẫn khiếu nại kéo dài, trong khi chính sách đã thay đổi không còn phù hợp hoặc không có hồi tố, cơ quan nhà nước gặp khó khăn khi áp dụng pháp luật để giải quyết dứt điểm, báo cáo nêu rõ.
Chính phủ cũng đánh giá, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những hạn chế nhất định, thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết tâm trong việc tiếp công dân, đối thoại với dân, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Một số vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích của dân giải quyết chậm (hoặc không giải quyết), công dân khiếu nại, tố cáo nhiều lần, thậm chí có những vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, dẫn đến công dân bức xúc, khiếu nại, tố cáo gay gắt.
Một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đạt thấp hơn so với mục tiêu đã đề ra. Nhự các bộ: Xây dựng đạt 11,4%, Tài nguyên và Môi trường 50%, Tư pháp 62,5%. Các tỉnh: Quảng Ngãi 56,6%, Bắc Kạn 57,4%, Lai Châu 66,7%, Nam Định 67,0%, Hưng Yên 67,6%,...
Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ tại báo cáo khiếu nại, tố cáo năm 2018 là phấn đấu giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019 đạt tỉ lệ trên 85%.
Post a Comment