Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững ngày 12/9, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trên hành trình phát triển bền vững.
Năm 2018, theo World Bank, Việt Nam xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh; còn theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh. Nhưng cũng trong năm 2018, Việt Nam đã xếp hạng 54/162 quốc gia lọt vào top 30% quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững và chỉ thua Thái Lan trong ASEAN.
Như vậy, so với các nước có cùng trình độ phát triển, thì Việt Nam đang vượt lên trong cuộc "đua xanh".
Nhưng, một con số đáng chú ý được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chỉ ra tại hội nghị: Việt Nam là một quốc gia nhỏ xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng chúng ta hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm.
Theo World Bank, chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam mất đi 5,18% GDP của năm 2013. Ô nhiễm nước cũng có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP. Cùng với đó, tình trạng suy giảm tài nguyên, tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, ô nhiễm và suy thoái đất, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế của Việt Nam.
Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ các mô hình "kinh tế truyền thống" sang "kinh tế tuần hoàn". "Đây được xem là một ưu tiên trong giai đoạnt tiếp theo của phát triển đất nước", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Kinh tế tuần hoàn là gì?
Kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển bền vững đạt được cả 2 mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra.
Ở cấp độ thấp, kinh tế tuần hoàn tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và các mặt hàng nông sản, các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái.
Ở cấp độ cao, cấp độ doanh nghiệp, toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế và không có chất thải đưa ra môi trường. Chất thải đều được giảm thiểu tối đa, tái sử dụng và tái chế.
Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện "kinh tế tuần hoàn", Ủy ban Châu Âu đã kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... tham gia.
Theo ước tính thực tế tại Châu Âu, kinh tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ Euro mỗi năm, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, Việt Nam chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn. Chúng ta mới dừng lại ở tái sử dụng, tái chế chất thải mang lại lợi ích về tài chính cho cơ sở sản xuất và tiêu dùng, chưa mang lại lợi ích kinh tế nên chính hoạt động của các mô hình đó đã gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc chuyển đổi từ một nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi cả hệ thống, trong đó phát huy vai trò của các bên liên quan gồm nhà nước và doanh nghiệp hết sức quan trọng
Kiến nghị loạt giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp là động lực trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Vai trò kiến tạo của nhà nước thể hiện trong việc tạo ra một môi trường để kinh tế tuần hoàn phát triển.
Việt Nam có thể cân nhắc đưa cả hai cách tiếp cận thực hiện kinh tế tuần hoàn của quốc tế vào lộ trình của mình. Đó là: Cách tiếp cận theo nhóm ngành, sản phẩm, nguyên liệu hoặc vật liệu và cách tiếp cận theo quy mô kinh tế, thành lập các không gian địa lý.
Bên cạnh đó, lộ trình cũng cần tiếp tục thực hiện các nội dung khác của kinh tế tuần hoàn, như khuyến khích năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn đã có tại Việt Nam.
Về vấn đề này, đại diện HDBank cho rằng, thời gian tới, Bộ Công Thương và EVN cần tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng truyền tải điện để tối ưu hóa các nguồn phát của các dự án năng lượng tái tạo đã và đang được đầu tư.
Đồng thời, sớm ban hành giá điện Mặt trời sau ngày 30/6 để tạo niềm tin và động lực rót vốn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào dự án năng lượng tái tạo, đưa Việt Nam thành trung tâm năng lượng của khu vực.
Còn ông Vũ Tiến Lộc đề nghị đưa chủ trương thúc đẩy kinh tế toàn hoàn vào nghị quyết của Đảng và đề nghị Quốc hội ban hành "Luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn".
"Quốc hội và Chính phủ có chính sách để khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Xác định rõ trong việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn thì doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm", ông Lộc nói.
Post a Comment