Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế" được kỳ vọng là hội nghị Diên Hồng về kinh tế để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp.

Chiều nay (3/9) tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức phát động Cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế".

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, cho biết: "Cách đây 74 năm khi vừa giành được độc lập, khi đó đất nước còn chưa được thống nhất, đời sống nhân dân khó khăn nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện khát vọng mãnh liệt về thống nhất đất nước, phát triển giàu mạnh. Kể cả trước lúc ra đi, Người vẫn luôn tin tưởng rằng đất nước nhất định sẽ thống nhất, mong muốn Đảng và Nhà nước cần có kế hoạch thật tốt để phát triển đất nước.

Về doanh nghiệp doanh nhân, Bác đã đề cao vai trò to lớn của giới công thương trong phát triển kinh tế đất nước. Trong thư gửi giới công thương, Bác từng căn dặn: 'Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là việc kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng'. Ngày nay Đảng, Nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân vẫn đang nỗ lực thực hiện lời căn dặn của Người".

Ông Nguyễn Văn Bình cho biết, trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, Đảng luôn thực hiện nhất quán, ban hành nhiều chủ trương quan trọng mang lại thành tựu to lớn. Thực tiễn chứng minh, các đường lối chính sách đưa ra đúng đắn, kịp thời, phù hợp với quy luật khách quan.

Các Nghị quyết Trung ương 5 khóa 12 của Đảng là các chủ trương lớn, quan trọng, đúng đắn, khi ban hành đã tạo tiếng vang lớn và được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp, doanh nhân vẫn gặp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và nền kinh tế nước ta chưa phát triển nhanh và bền vững, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.

Doanh nghiệp doanh nhân hoạt động trên thị trường biết rõ hơn ai hết cần gì, cơ chế nào để hoạt động tốt nhất và đóng góp lớn nhất cho phát triển kinh tế đất nước.

Với quan điểm mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ thực tiễn khách quan, lấy dân làm gốc, làm trung tâm và mục tiêu phát triển và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh "Việc lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh", Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng chủ trì chỉ đạo và tổ chức Cuộc vận động "Doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế".

Cuộc vận động được tổ chức trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Bác. Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định, mọi góp ý đề xuất của doanh nghiệp doanh nhân đều được tổng hợp, xem xét và chuyển tới các cơ quan liên quan để góp phần xây dựng văn kiện đại hội đảng lần thứ 13. Tham gia cuộc vận động lần này là hoạt động thiết thực của các doanh nghiệp doanh nhân.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng khẳng định: Đảng ta đã xác định xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, trong đó doanh nghiệp doanh nhân đóng vai trò là đội quân chủ lực.

Doanh nghiệp doanh nhân là chủ thể thực thi chính sách kinh tế cũng là nguồn cảm hứng và là chủ thể quan trọng góp ý xây dựng thể chế, chính sách nền kinh tế nước nhà.

Doanh nghiệp doanh nhân góp ý xây dựng thể chế chính sách không phải là việc làm mới. Suốt hành trình cải cách hơn 3 thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay với Đảng, Nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Nhiều dại diện là doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cũng có vai trò trong các cơ quan của hệ thống chính trị.

"Dù vậy, cuộc vận động lần này là lần đầu tiên tổ chức một cuộc vận động quy mô lớn và rộng khắp để lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nhân doanh nghiệp trên cả nước để góp phần hoàn thiện thể chế chính sách trong thời gian tới. Cuộc vận động này đúng dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc Bác Hồ và đang trong giai đoạn chuẩn bị cho các văn kiện đại hội Đảng lần thứ 13 - một đại hội được kỳ vọng thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ 2 cho nền kinh tế Việt Nam.

Hy vọng rằng cuộc vận động này sẽ có ý nghĩa như một 'hội nghị Diên Hồng' cho nền kinh tế để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền kinh tế hùng cường như Bác Hồ từng mong mỏi", ông Lộc nói. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top