Luật hiện hành quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Chính phủ đề nghị mở rộng hơn khái niệm này.

Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 17/9.

Chưa bảo đảm sự chi phối của Nhà nước

Liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, tờ trình của Chính phủ nêu rõ, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, dự thảo luật đã sửa đổi quy định về doanh nghiệp nhà nước.

Theo đó, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước được cụ thể hóa bằng tiêu chí Nhà nước "sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết" của doanh nghiệp đó.

Tại dự thảo luật, khái niệm doanh nghiệp nhà nước được sửa đổi bao gồm cả 2 loại doanh nghiệp: doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Tại cơ quan thẩm tra (Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội) nhiều ý kiến cho rằng với cách phân loại doanh nghiệp nhà nước tại dự thảo luật, cần nghiên cứu, xác định tỷ lệ Nhà nước nắm giữ vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết phù hợp, có thể là 75% nhằm bảo đảm Nhà nước nắm giữ phần vốn góp hoặc cổ phần chi phối, bám sát với quan điểm chỉ đạo tại nghị quyết 12-NQ/TW.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định về tỷ lệ sở hữu vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước tại dự thảo luật chưa bảo đảm sự chi phối của Nhà nước đối với các quyết định quan trọng, chi phối hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm việc thông qua nghị quyết của Hội đồng thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước phù hợp, bảo đảm được sự chi phối của Nhà nước trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, đồng thời hài hòa với quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên góp vốn, cổ đông khác nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo đánh giá tác động của việc thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước tới số lượng, hoạt động quản trị của các doanh nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp nhà nước theo quy định của dự thảo luật này, bảo đảm phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp nhằm tránh gây xáo trộn, khó khăn không cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp.

Gỡ khó cho hộ kinh doanh?

Điểm mới đáng chú ý khác là dự thảo luật đã bổ sung một chương về hộ kinh doanh theo hướng tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của "hộ kinh doanh" là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

Quy định tại dự thảo, theo Chính phủ là đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp. Chính phủ cũng khẳng định không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.

Ông Thắng cho biết, dự thảo đã quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký), bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh, như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện.

Thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng hộ kinh doanh là một bộ phận cấu thành không nhỏ của nền kinh tế, cần được khẳng định về địa vị pháp lý và luật hóa các quyền, nghĩa vụ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hộ kinh doanh phát triển, nâng cao năng lực quản trị, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng với các chủ thể khác khi tham gia thị trường.

Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ (thuế, lao động, bảo hiểm xã hội, môi trường,...) của hộ kinh doanh; quy định về quản trị, kế toán, theo hướng đơn giản, thuận lợi về thủ tục hành chính nhằm bảo đảm vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ kinh doanh vừa tạo sự công bằng, bình đẳng, minh bạch với doanh nghiệp.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát phù hợp với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hỗ trợ việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top