Đó là điều được Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh tại văn bản tham gia ý kiến về dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo.

Dự án luật này cũng đã được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra sơ bộ cuối tuần qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến tại phiên họp tháng 9, dự kiến  trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.

Tham gia ý kiến về dự thảo luật, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bảo lưu ý kiến không áp dụng và không quy định cơ chế bảo lãnh, chuyển đổi ngoại tệ cho các dự án PPP.

Về đảm bảo tỷ giá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị góp ý quy định: trường hợp biến động tỷ giá ngoại tệ trên 20% so với giá trị dự kiến ban đầu, Chính phủ cam kết chia sẻ 50% giá trị chênh lệch do biến động (bao gồm cả trường hợp nhà đầu tư nộp lại cho nhà nước) và điều kiện áp dụng bảo lãnh tỷ giá này.

Theo quy định trên, trường hợp biến động tỷ giá, Chính phủ phải sử dụng một khoản tiền để bù đắp chênh lệch tỷ giá cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Tuy nhiên, dự thảo Luật PPP chưa xác định rõ nguồn để thực hiện cam kết bảo lãnh tỷ giá của Chính phủ.

Tiếp tục bảo lưu ý kiến bỏ quy định về bảo đảm tỷ giá cho dự án PPP, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, không thể sử dụng dự trữ ngoại hối để bảo đảm ngoaị tệ và bảo đảm tỷ giá.

Văn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, dự trữ ngoại hối nhà nước có vai trò trọng yếu trong an ninh tiền tệ, chống các cú sốc từ bên ngoài, nâng cao niềm tin thị trường vào tính ổn định của thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam.

"Việc sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước để bảo đảm cho các dự án của doanh nghiệp có thể sẽ làm xói mòn nền tảng này", Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Vẫn theo Ngân hàng Nhà nước, tuy quy mô dự trữ ngoại hối tăng khá nhanh trong hai năm gần đây nhưng chưa thực sự bền vững và quy mô vẫn thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế (IMF) và thấp hơn so với nhiều nước ASEAN.

Ngân hàng Nhà nước cũng lo ngại, dự trữ ngoại hối nhà nước là một trong những tiêu chí quan trọng, là cơ sở để các tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng  tín nhiệm quốc gia. Trong khi đó, kinh tế thế giới dự báo nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và có thể ảnh hưởng bất lợi đến kinh tế vĩ mô trong nước.

"Do đó, việc bảo toàn và tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối nhà nước là rất cần thiết nhằm tăng cường vị thế đối ngoại của Việt Nam, đảm bảo khả năng can thiệp bình ổn thị trường của Ngân hàng Nhà nước khi cần thiết vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Vì thế, việc sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước để đảm bảo cho các dự án của nhà đầu tư, doanh nghiệp cần thận trọng, tránh những tác động bất lợi cho nền kinh tế", Ngân hàng Nhà nước phân tích.

Liên quan đến các cơ chế bảo đảm của Chính phủ, tờ trình dự án luật nêu rõ, một trong các nội dung được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đối với sự chuyển biến trong chính sách PPP của Việt Nam, đó là các cơ chế bảo đảm của Chính phủ. Việc thiếu hụt chính sách đối với các cơ chế này trong dự án PPP là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số dự án giao thông có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài phải tạm dừng (dự án Dầu Giây - Phan Thiết, Tân Vạn - Nhơn Trạch). 

Trong khi đó các dự án BOT điện thu hút được các nhà đầu tư quốc tế bởi Chính phủ đã đưa ra các cam kết, bảo lãnh cho nhà đầu tư, trong đó có bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ (được áp dụng tỷ lệ 30%).

Chính phủ cũng khẳng định tại dự thảo luật này, quy  định về bảo đảm Chính phủ chỉ là khung nguyên tắc và điều kiện, là công cụ để Chính phủ điều hành trong từng trường hợp cụ thể, không áp dụng tràn lan (bốn chữ không áp dụng tràn lan được gạch chân tại tờ trình- PV).

Từ phân tích trên, về cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ, dự thảo luật quy định Chính phủ quyết định cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ cho từng trường hợp dự án PPP (bằng nghị quyết của Chính phủ). Cụ thể, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư  của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ chỉ can thiệp sau khi doanh nghiệp dự án đã thực hiện quyền mua ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối để đáp ứng nhu cầu giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch khác hoặc chuyển vốn, lợi nhuận, các khoản thanh lý đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối nhưng thị trường không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp dự án.

Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.

Với góp ý bỏ quy định về bảo đảm tỷ giá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã tiếp thu.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top