Đây là những quan điểm trái chiều được các bên tranh luận tại hội nghị phản biện xã hội dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được tổ chức chiều 11/9.

Không coi nhân công giá rẻ là lợi thế cạnh tranh

Đề xuất giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các bên. Ủng hộ phương án giảm giờ làm xuống còn 44 giờ/tuần, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An cho rằng, người lao động, nhất là lao động nữ trong các doanh nghiệp sản xuất hiện nay đang chịu áp lực vô cùng nặng nề về giờ giấc làm việc.

"Trong rào, ngoài rào, áp lực làm việc 8 tiếng một ngày đã rất căng thẳng, nếu duy trì 48 giờ/tuần thì rất áp lực, người lao động sẽ không còn sức để làm việc khác nữa", bà An nêu quan điểm.

Là một lao động trực tiếp tại Công ty Cổ phần Đồ hộp Hạ Long (Hải Phòng), chị Trần Thị Hương rất đồng tình với đề xuất giảm giờ làm hằng tuần còn 44 giờ. "Lao động trực tiếp chúng tôi đứng 8 tiếng một ngày, 48 tiếng một tuần thực sự về đến nhà rất mệt mỏi. Chúng tôi muốn được giảm bớt giờ làm việc để tái tạo sức lao động, đồng ý làm thêm nhưng chỉ nên tùy ngành nghề, thời vụ cấp bách", lao động này đề xuất.

Trong khi đó, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân tích, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi dù có sự khác nhau ở các quốc gia, song điểm chung là khi điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển thì thời giờ làm việc cũng phải giảm dần. Do đó, quan điểm của cơ quan này là đề xuất giảm thời giờ làm việc và tăng thời giờ nghỉ ngơi.

Củng cố thêm thêm lập luận, cơ quan này dẫn kết quả khảo sát đối với 154 nước và vùng lãnh thổ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thấy rằng, Việt Nam hiện nay thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất, từ 48 giờ trở lên cùng với 40 nước khác. Việt Nam cũng nằm trong số nước có ngày nghỉ phép, nghỉ lễ thấp trên thế giới.

"Thực tế trên đặt ra nhiều vấn đề cần cân nhắc khi xác lập giới hạn giờ làm việc, nghỉ ngơi trong Bộ luật Lao động. Đồng thời, cần nhắc yếu tố sức khỏe và an toàn cho người lao động cũng như khả năng cân bằng việc làm", đại diện cơ quan này đề xuất.

Tại Việt Nam, dù chưa có nghiên cứu riêng biệt về việc tăng thời giờ làm việc với sức khỏe người lao động, nhưng đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, các đánh giá mà cơ quan này có hiện nay đều cho thấy có những tác động tiêu cực.

"Năng suất lao động không phụ thuộc vào thời gian làm việc mà chính là hiệu quả sử dụng lao động, máy móc và công nghệ. Do đó, chúng tôi kiến nghị giảm thời giờ làm việc phù hợp với xu hướng của thế giới, đặc biệt không coi nguồn nhân công giá rẻ là lợi thế cạnh tranh hiện nay", đại diện cơ quan này nhấn mạnh.

Doanh nghiệp: "Chúng tôi đang ở thế khó"

Người lao động muốn giảm giờ làm, song dưới góc độ doanh nghiệp, bà Đào Thị Thu Huyền, Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản lại cho rằng điều này sẽ gây trở ngại rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất.

Bà Huyền dẫn thống kê của hiệp hội này cho thấy, từ năm 2014 đến nay lương tối thiểu tăng nhanh nên tổng chi phí cho người lao động Việt Nam hiện gần bằng Thái Lan. Khảo sát tháng 1/2019 cho thấy, chi phí một tháng mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động tại Thái Lan là 228 USD, trong khi vùng 1 của Việt Nam là 221 USD, cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Philippines 172 USD, Ấn Độ 99 USD, Campuchia 188 USD và Myanmar là 102 USD.

Theo bà Huyền, từ đó để thấy rằng, Việt Nam trước kia thu hút đầu tư nước ngoài nhờ lợi thế cạnh tranh là nhân công giá rẻ, lao động chăm chỉ, nhưng hiện nay điều duy nhất còn lại là ý chí của người lao động, còn chi phí nhân công không còn sức cạnh tranh nữa.

"Doanh nghiệp hiện nay rất quan ngại làm sao để duy trì cạnh tranh, thực sự chúng tôi đang ở ngưỡng khó", bà Huyền cho biết và thừa nhận rằng còn có tình trạng người lao động luôn trong tâm thế sẵn sàng nghỉ việc, trong khi bước vào hội nhập doanh nghiệp ngày càng nhận được nhiều đơn hàng của các nước trên thế giới.

"Nếu giảm giờ làm trong tuần thì chúng tôi không thể tuyển được nhân công thay thế để làm bù những đơn hàng đã được đặt. Điều này là hết sức nguy hiểm, người ta đã đưa cho mình một 100 đơn hàng nhưng mình chỉ sản xuất được có 80 đơn, như vậy là doanh nghiệp dần mất uy tín, chắc chắn đối tác sẽ chuyển sản xuất sang nước khác", bà Huyền bày tỏ lo ngại.

Trong khi đó, dù đồng ý với quan điểm cho rằng phải tiến tới giảm giờ làm và tăng lương cho người lao động, song bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhấn mạnh nên cân nhắc thời điểm và có so sánh với các nước trong khu vực là đã phù hợp chưa.

Dẫn kết quả so sánh tương quan giờ làm việc tiêu chuẩn của các nước trong khu vực ASEAN như: Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore, Indonesia, Lào, Camphuchia, bà Minh cho biết chỉ có 2 nước là Singapore và Indonesia là làm việc 44 giờ/tuần, các nước còn lại đều 48 giờ.

Trước những băn khoăn của các bên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định rằng, trong vấn đề này, Chính phủ chưa có đánh giá tác động cũng như chưa có ý kiến về việc giảm thời gian làm việc xuống 44 giờ hay 40 giờ.

"Vấn đề này chúng tôi đang đề đề nghị Chính phủ phải có đánh giá tác động, nếu thấy đủ điều kiện thì quy định, nếu không thì thực hiện như hiện hành. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến khích trong tương lai là cố gắng giảm giờ làm, tăng tiền lương, đó mới là tăng năng suất lao động", ông Lợi nhấn nhấn mạnh.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top