Tiền ảo, condotel, officetel, Grab...là những loại hình kinh doanh mới đang hiện hữu nhưng chưa có đủ cơ sở pháp lý để quản lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu vấn đề.
Phát biểu khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét tình hình 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 sáng 11/9, ông Thanh nhấn mạnh 5 năm qua pháp luật về kinh tế cũng đã bám vào rất nhiều các điểm mới của Hiến pháp để cụ thể hoá về quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, hoàn thiện các thị trường, để vận hành đồng bộ các thị trường đất đai, khoa học công nghệ, chứng khoán, sở hữu trí tuệ, khoa học công nghệ...
Tuy nhiên, ông Thanh phản ánh lo ngại của rất nhiều chuyên gia là hiện nay rất nhiều loại hình kinh doanh mới như tiền ảo, trong kinh doanh bất động sản thì có condotel, officetel, vận tải có Grab... nhưng lại chưa có đủ cơ sở pháp lý để quản lý những hoạt động này.
Trong thời gian tới, với cách mạng công nghiệp phát triển như vũ bão thế này còn nhiều loại hình kinh doanh mới, đây là thách thức rất lớn để thi hành Hiến pháp, ông Thanh nhận định.
Vì thế, ngoài những vấn đề đặt ra trong thời gian vừa qua, ông Thanh cho rằng những vấn đề mới trong hoạt động kinh doanh cần quan tâm trong điều chỉnh, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật về kinh tế.
Cho rằng phải chỉ ra thẳng thắn, rõ ràng hơn một số vấn đề trong thi hành Hiến pháp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, câu hỏi đặt ra là vì sao trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đặt ra hơn 90 luật, pháp lệnh phải sửa đổi, vẫn còn đến 21 luật chưa thể triển khai được để cụ thể hoá Hiến pháp 2013.
Với 21 luật chưa thể triển khai này thì hết năm 2020 có thể cụ thể hoá Hiến pháp không? nếu không cụ thể hóa được thì tác động của nó như thế nào đến những vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, quyền con người, quyền công dân. Đó là vấn đề chúng ta phải đặt ra, ông Hiển nhấn mạnh.
Băn khoăn của ông Hiển còn ở chỗ trong khi 21 luật trong kế hoạch chưa triển khai thì có 34 luật không nằm trong yêu cầu phải cụ thể hoá thì triển khai hết sức tích cực, như thế có sự lệch pha không?
Theo Phó chủ tịch Hiển thì quỹ thời gian của nhiệm kỳ Quốc hội 14 chỉ còn 3 kỳ họp 8,9,10, khó để có thể hoàn thành đủ hết hơn 90 luật theo yêu cầu cụ thể hoá Hiến pháp.
"7 năm mà chưa cụ thể hoá được tất cả những vấn đề của Hiến pháp năm 2013 cũng là một vấn đề đặt ra", ông Hiển nhấn mạnh.
Thời gian qua, việc ban hành các luật, các nghị định, quy định để thực hiện Hiến pháp theo đánh giá của Phó chủ tịch Hiển vẫn có vấn đề chưa thực hiện đúng tinh thần Hiến pháp.
Ví dụ, Hiến pháp có một câu "tất cả khoản chi phải được dự toán". Chỉ có Quốc hội và các cơ quan có quyền hạn mới ban hành dự toán. Nhưng nhiều khoản chi thời gian qua có phù hợp với tinh thần Hiến pháp không? Chuyện này ông Hiển cho rằng cũng phải phân tích, đánh giá để nhìn thẳng vào sự thật.
Nhận xét của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc là có lẽ chưa bao giờ quyền công dân được phát huy mạnh như sau khi Hiến pháp 2013 ban hành. Tuy nhiên, ông Phúc nói, điều 25 của Hiến pháp quy định công dân có nhiều quyền, trong đó có quyền hội họp, quyền biểu tình, quyền lập hội nhưng hiện nay Luật Hội chưa ra được, Luật Biểu tình cũng chưa ra được.
"Phải thực hiện đúng tinh thần Hiến pháp, công dân có quyền lập hội, công dân có quyền biểu tình, vậy quyền đó đã được thể chế chưa? hai việc này mà đến mấy nhiệm kỳ rồi vẫn chưa làm được", ông Phúc sốt ruột.
Kết thúc phần thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nhấn mạnh có 3 luật đã nằm trong kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp rồi nhưng vẫn chưa được ban hành, đó là Luật về lập hội, Luật Biểu tình, Luật về hiến máu.
Phó chủ tịch đề nghị phân tích rõ nguyên nhân và xác định lộ trình để ban hành ba luật này chứ không thể để kéo dài. Bởi vì, đây là những quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp.
Post a Comment