Uỷ ban Kinh tế đề nghị đề nghị bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, nhưng Bộ trưởng Tài chính nói làm thế là trái quy định.
Tiếp tục phiên họp thứ 37, chiều 9/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra dự án luật) Vũ Hồng Thanh cho biết, tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận giữ nguyên quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng nghiên cứu tăng thẩm quyền cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và giữ mối quan hệ giữa Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như hiện hành.
Về cơ bản, dự thảo luật được tiếp thu theo hướng này, song Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Lý do của đề nghị này là hai đơn vị trên là các doanh nghiệp rất đặc thù, là nơi duy nhất tổ chức thị trường giao dịch, tổ chức các hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán cho toàn bộ thị trường của Việt Nam.
Hoạt động của hai doanh nghiệp trên gắn rất chặt chẽ với sự quản lý, giám sát của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để bảo đảm tính thống nhất, một đầu mối, quản lý an toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả và vị thế, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cơ quan thẩm tra khẳng định, quy định này cũng không trái với quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành. Cụ thể, điều 3 Luật Doanh nghiệp quy định: "Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó".
Đồng thời, thực tế cũng có nhiều mô hình thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp (gồm bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, UBND cấp tỉnh và tổng Công ty đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước), Chủ nhiệm Thanh báo cáo.
Tuy nhiên, để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Bộ Tài chính, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước ban hành, sửa đổi, bổ sung điều lệ của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên hoặc chủ tịch và thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát (kiểm soát viên) của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước phê duyệt việc hội đồng quản trị/hội đồng thành viên bổ nhiệm, miễn nhiệm tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (Phó giám đốc), trưởng bộ phận giám sát giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam; tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng đề nghị của Uỷ ban Kinh tế là vấn đề rất lớn, phải thảo luận rất kỹ. Bởi luật hiện hành chỉ có bộ, Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)...thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Nếu quy định như phương án của Uỷ ban Kinh tế thì trái với quy định hiện hành, để nghị vẫn nên giao cho Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật.
Nhấn mạnh đại diện chủ sở hữu là vấn đề lớn thuộc thẩm quyền Quốc hội giao, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, đang yên đang lành lại giao cho doanh nghiệp thì không ổn. Quan điểm của Phó chủ tịch là cứ để như hiện nay sau này tính dần.
Đồng ý tăng thẩm quyền cho Uỷ ban Chứng khoán nhà nước nhưng tăng như đề xuất của Uỷ ban Kinh tế thì không nên đặt ra, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói khi kết thúc phiên thảo luận.
Post a Comment