Quy định Thủ tướng đối thoại với thanh niên rất có thể sẽ được luật hoá.
Tiếp tục phiên họp thứ 37, sáng 10/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Tờ trình dự án luật cho biết, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) xây dựng trên cơ sở các chính sách đã được Chính phủ thông qua. Theo đó, chính sách 1 quy định về đối thoại với thanh niên, Tháng Thanh niên và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách phát triển thanh niên.
Riêng đối thoại với thanh niên, điều 9 khoản 1 nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước tổ chức đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần về các vấn đề liên quan đến thanh niên.
Khoản 2 quy định, người đứng đầu các cơ quan nêu tại khoản 1 điều này chỉ đạo chuẩn bị kế hoạch, chương trình đối thoại và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan chậm nhất 30 ngày trước khi tổ chức đối thoại.
Dự thảo luật cũng nêu rõ, trong thời hạn 15 ngày sau ngày đối thoại, nội dung kết luận đối thoại phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi đến các cơ quan, tổ chức liên quan.
Thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thống nhất với quy định về đối thoại với thanh niên.
Theo cơ quan thẩm tra thì đây là hoạt động thiết thực nhằm nắm bắt nhu cầu nguyện vọng của thanh niên để từ đó đề ra những chủ trương chính sách tạo điều kiện cho thanh niên phát huy và cống hiến.
Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xác định rõ chủ thể phù hợp có trách nhiệm đối thoại với thanh niên, đảm bảo tính khả thi của chính sách, tránh hình thức và tạo gánh nặng cho các cơ quan, tổ chức trong bối cảnh đã có Luật Tiếp công dân.
Khẳng định đối thoại với thanh niên thì rất cần thiết nhưng Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, đi vào trình tự thủ tục chi tiết là sau 15 ngày đối thoại thì kết luận phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng là không hợp lý.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì quy định về đối thoại với thanh niên cần quan tâm tính thiết thực, hiệu quả và tránh hình thức.
Có quá nhiều chủ thể đối thoại ở đây: cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước... Chủ tịch Quốc hội nhận xét.
Về những nội dung khác, Chính phủ cho biết, so với Luật Thanh niên năm 2005, dự thảo luật sửa đổi lần này đã tách quyền và nghĩa vụ của thanh niên để làm rõ trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, quy định các chính sách của Nhà nước gắn với việc bảo đảm thực hiện quyền cơ bản của thanh niên.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét: nói về thanh niên, có một câu hát cứ vang vọng mãi là "Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay" nhưng đối chiếu với dự luật thì sự thể hiện nghĩa vụ rất ít mà chỉ thấy những đòi hỏi tổ quốc phải cho mình nhiều quá.
Theo ông Hiển, dự luật dẫn chiếu nhiều văn bản, quy định nhưng nếu chỉ cần thay từ "thanh niên" bằng từ "công dân" thì có thể áp dụng cho bất cứ đối tượng nào trong xã hội, không có nét riêng biệt.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhìn nhận, ngoài nhóm trẻ em, người cao tuổi đã có luật điều chỉnh riêng, nhóm dân cư từ 18 tới 60 tuổi được xem là lực lượng lao động chính của xã hội, không có chính sách ưu đãi đặc thù. Nay dự luật Thanh niên cắt đôi nhóm công dân từ 16-30 tuổi để dành cho những ưu đãi đặc thù khiến cho nhóm người trung niên lại thành "lép".
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng nhận xét, thanh niên chính là nhóm đối tượng thắng thế trong xã hội nhưng lại được xây dựng những chính sách như là nhóm đối tượng yếu thế, cần hỗ trợ, bảo vệ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, thiết kế luật cần tránh sự lẫn lộn giữa quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Dự luật hiện tại không những không khắc phục được hạn chế này tại luật Thanh niên năm 2005 mà còn làm trầm trọng hơn tình trạng đó, Chủ tịch Quốc hội nhận xét và yêu cầu thiết kế lại nội dung này.
Post a Comment