Hà Nội và Tp.HCM đang "treo" số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp trên tài khoản tạm thu tương ứng là 8.416,485 tỷ đồng và 1.789,373 tỷ đồng trong khi nhu cầu chi ngân sách rất cấp thiết.

Đó là thông tin được Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết tại báo cáo về sự cần thiết ban hành nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thut ừ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chiều 9/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này.

Chủ nhiệm Thanh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để làm rõ sự cần thiết ban hành nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đoàn công tác đã làm việc với một số bộ, ngành và địa phương về nội dung nêu trên.

Theo báo cáo, giai đoạn từ 1/1/2018 đến nay việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hoá được thực hiện thống nhất thông qua quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Tnh hình thu, chi quỹ, theo báo cáo của Bộ Tài chính, số dư đến 1/1/2013 là 16.215 tỷ đồng, trong giai đoạn 2013-2018, tổng số thu là 257.497 tỷ đồng (trong đó 186.534 tỷ đồng thu từ cổ phần hóa, chuyển nhượng vốn nhà nước). Tổng số chi là: 221.643 tỷ đồng (trong đó nộp 155.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước theo nghị quyết số 26/2016/QH13 của Quốc hội. Phần còn lại 66.643 tỷ đồng thực hiện chi hỗ trợ lao động dôi dư, chi bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước, chi đầu tư bổ sung vốn để duy trì tỷ lệ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp); số dư bằng tiền tại thời điểm ngày 31/12/2018 là 52.067 tỷ đồng.

Đoàn công tác nhận xét, cơ chế quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bị điều chỉnh bởi nhiều nhóm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thiếu sự thống nhất, một số văn bản dưới luật trái với quy định của luật.

Chẳng hạn, trong khi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định các khoản thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại các tổ chức kinh tế thuộc Trung ương hoặc địa phương được xác định tương ứng là nguồn thu của ngân sách Trung ương hoặc ngân sách địa phương, thì quy chế ban hành kèm theo quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng lại quy định tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được thu tập trung về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Điều này được nhóm công tác nhấn mạnh là đã gây khó khăn cho một số địa phương trong quản lý, sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa. Như Hà Nội và Tp. HCM đang "treo" số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trên tài khoản tạm thu tương ứng là 8.416,485 tỷ đồng(30/6/2019) và 1.789,373 tỷ đồng (31/12/2017), trong khi nhu cầu chi ngân sách rất cấp thiết. Hai địa phương đã phải có nhiều văn bản báo cáo, đề xuất xin sử dụng nguồn vốn này, trong khi theo Luật Ngân sách nhà nước khoản thu này đương nhiên thuộc ngân sách địa phương.

Ngoài ra, theo báo cáo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước việc quản lý, sử dụng quỹ cũng còn một số bất cập như trường hợp Tổng công ty Tàu thủy và Tổng công ty lương thực miền Nam sử dụng Quỹ vào hoạt động kinh doanh nhưng thua lỗ, tiềm ẩn rủi ro mất vốn. Tổng công ty Giấy Việt Nam sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa để tăng vốn điều lệ 21 tỷ đồng nhưng chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chưa kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc quyết toán và chuyển số dư về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại các tập đoàn, tổng công ty năm 2017. Từ năm 2018 đến tháng 6/2019 chưa tổng hợp được số liệu chính thức về số dư quỹ để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Kiến nghị của đoàn công tác với Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vì các quy định liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.

Để đồng bộ với nội dung thu, chi trong Luật Ngân sách nhà nước, đề nghị xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2020 sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13. Theo đó,vừa sửa đổi được một số bất cập hiện nay của Luật số 69 vừa bảo đảm được việc không ban hành quá nhiều văn bản quy định về cùng một nội dung, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo, đồng thời tuân thủ đúng quy định tại điều 55 của Hiến pháp.

Đoàn công tác cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản dưới luật bảo đảm việc thực hiện đúng, đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, theo đó các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện nộp ngân sách nhà nước. Các khoản chi cho hỗ trợ sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, bổ sung vốn nhà nước tại doanh nghiệp do ngân sách nhà nước bố trí.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định sự ban hành nghị quyết là cần thiết, nếu để đến 2020 sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13 như đề nghị của Uỷ ban Kinh tế thì quá muộn.

Đồng tình với Uỷ ban Kinh tế là không ra nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cũng không cần phải sửa Luật 69. Phải đưa vào ngân sách chứ không thành lập quỹ gì hết, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Giải pháp, theo Chủ tịch Quốc hội thì Bộ Tài chính tham mưu ra nghị định thực hiện Luật Ngân sách nhà nước phần quy định về sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là xong, chả cần sửa luật nào nữa. 

Hệ thống pháp luật đã khá đầy đủ, đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm quy định của luật hiện hành, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển gói lại phiên thảo luận. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top