Trước thềm Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) 2019, chiều ngày 18/9, buổi tọa đàm nhằm trao đổi sâu về các vấn đề và hàm ý chính sách cho Việt Nam đã diễn ra giữa Tổ biên tập của Tiểu ban kinh tế - Xã hội với 12 diễn giả hàng đầu của thế giới và Việt Nam tham dự Diễn đàn.
Mục tiêu cao và những câu hỏi lớn
Chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam đến năm 2030 và 2045 khi Việt Nam bước vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình cao, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân từ 7-7,5%/năm để từng bước trở thành quốc gia thịnh vượng.
"Đây là mục tiêu rất cao đặt trong bối cảnh hiện nay", Bộ trưởng thẳng thắn.
Bộ trưởng thừa nhận thách thức lớn nhất Việt Nam đang đối mặt chính là bẫy thu nhập trung bình và vấn đề khó nhất là tìm cách hoá giải, vượt quá bẫy này khi bối cảnh thế giới có nhiều bất định.
"Vì vậy, chúng tôi muốn được nghe ý kiến, kinh nghiệm và các gợi ý làm thế nào để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình", Bộ trưởng Dũng đặt vấn đề với các diễn giả.
Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đã xác định 3 đột phá chiến lược (xây dựng kết cấu hạ tầng, thể chế kinh tế thị trường và nguồn nhân lực chất lượng cao). Nay bổ sung thêm hai nội dung đột phá cho giai đoạn tới, bao gồm thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; và phát huy giá trị văn hoá và con người vào quá trình phát triển.
Để thực hiện các đột phá này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu loạt 6 cân hỏi lớn với các diễn giả, chuyên gia quốc tế.
Thứ nhất, xu hướng của nền kinh tế thế giới sẽ diễn ra như thế nào và những tác động tới nền kinh tế Việt Nam?
Thứ hai, sự khác biệt về nội hàm của thuật ngữ nền kinh tế công nghiệp hoá và nền kinh tế phát triển. Việt Nam nên đặt vấn đề phát triển theo hướng nào để phù hợp với xu thế của thế giới cũng như đạt mục tiêu đề ra?
Thứ ba, Nhà nước pháp quyền và Chính phủ kiến tạo có những đặc trưng nổi bật nào và đâu sẽ là trở ngại trong cải cách thể chế kinh tế?
Thứ tư, hạn chế lớn nhất của Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực hiện nay là gì khi Việt Nam đứng trước tình cảnh "chưa giàu đã già". Với bối cảnh này, mô hình giáo dục nào sẽ phù hợp nhất?
Thứ năm, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam nên đi theo hướng nào? Làm thế nào để thúc đẩy và bài học thất bại và thành công từ các quốc gia đối với Việt Nam?
Thứ sáu, làm thế nào để các vùng trọng điểm và cực tăng trưởng phát triển nhanh nhưng không "bỏ rơi" khu vực miền núi, khu vực khó khăn. Phân bổ nguồn lực như thế nào khi Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững?
Chuẩn bị nguồn nhân lực có tư duy phản biện
Đáp lại loạt câu hỏi của Bộ trưởng, TS. David Dollar, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brooking Hoa Kỳ, nguyên Giám đốc quốc gia WB tại Trung Quốc cho rằng xu hướng phi toàn cầu hoá mà Mỹ và Anh đang đi nếu tiếp diễn trong tương lai có thể tạo ra những "ổ gà" trên con đường hướng tới thịnh vượng của Việt Nam. Trong chặng đường này, TS Dollar lưu ý sản xuất hàng hoá thuần tuý không còn phù hợp với xu hướng thế giới.
"Hơn một nửa giá trị được tạo ra ở dịch vụ, đến từ các ngành truyền thông, ngân hàng, giao thông vận tải…", ông Dollar nói. "Song điều này không có nghĩa là không chú trọng sản xuất mà phải thúc đẩy mối liên kết giữa sản xuất với dịch vụ trở nên thông suốt".
Không chỉ là các ngành kinh tế chưa liên kết tốt mà theo ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright, các khu vực kinh tế của Việt Nam cũng đang tách rời. Xuất khẩu của khu vực FDI rất lớn nhưng khu vực này chẳng liên quan gì đến khu vực trong nước nhất là tư nhân trong nước nên để xuất khẩu nhiều Việt Nam phải nhập khẩu nhiều.
Các địa phương cũng đang rời rạc, phân mảnh không kết nối dù có cơ chế điều phối. Mỗi địa phương là một đơn vị hành chính riêng biệt, cạnh tranh với nhau. "Đây là vấn đề đáng lo của Việt Nam bởi nó không tạo ra năng lực nội tại để có thể thích ứng và bền vững trước các bất trắc từ bên ngoài", ông Tự Anh nhấn mạnh.
Trong chia sẻ của mình GS.Sungchul Chung, Đại học Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, nguyên Viện trưởng Viện chính sách Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, đưa ra lời khuyên rằng Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao năng lực tiếp thu, thẩm thấu khai thác sử dụng cho tốt, cập nhật các kiến thức công nghệ hiện đại, thay vì tập trung nguồn lực theo đuổi sáng tạo những cái mới …
Vị chuyên gia này lưu ý khi nguồn lực có hạn, cần ngồi lại phân tích và lựa chọn nên làm gì tốt nhất để tập trung phát triển, không thể đầu tư dàn trải.
Trong bối cảnh công nghệ tiến rất nhanh, không thể biết chắc ngày mai có gì, thì việc những người trẻ có năng lực học tập hấp thụ cập nhật kiến thức kịp thời là điều quan trọng nhất. Vì vậy, ông Chung khuyến nghị Việt Nam nên tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể theo đuổi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của vị đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), trong bối cảnh toàn cầu hoá "ngược", căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khó dự báo, đầu tư vào con người sẽ là điều kiện tiên quyết nhất để phát triển.
"Việt Nam nên chú trọng đầu tư giáo dục từ cấp tiểu học đến đại học để chuẩn bị nguồn nhân lực có tư duy phản biện sáng tạo. Nguồn lực này sẽ giúp Việt Nam dịch chuyển lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển…", đại diện WB chia sẻ.
Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục bày tỏ băn khoăn về những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế Việt Nam như năng suất thấp, trình độ khoa học công nghệ hạn chế…
"Trong đó việc các tập đoàn lớn vào Việt Nam luôn có doanh nghiệp vệ tinh đi sau khiến Việt Nam rất khó tham gia chuỗi của họ. Vậy Việt Nam phải làm thế nào?", Bộ trưởng nêu câu hỏi.
Đã có một khoảng lặng sau câu hỏi của Bộ trưởng!
Theo các chuyên gia, không có công thức chung cho vấn đề, các khuyến nghị chỉ mang tính gợi mở cho việc lựa chọn chính sách. Một số vấn đề sẽ được tiếp tục trao đổi sâu thêm tại VRDF 2019 được tổ chức vào ngày 19/9 với sự tham dự và thảo luận trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Post a Comment