"Một trong những hậu quả của việc hành chính hoá hoạt động doanh nghiệp nhà nước là giao nhiệm vụ đủ thấp để bất cứ ai cũng có thể hoàn thành. Như thế, chỉ có con ông cháu cha, thân hữu mới vào được doanh nghiệp", Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ciem) nói tại Hội thảo về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước diễn ra ngày 23/9.
Đánh giá những hạn chế, yếu kém về thể chế kinh tế đối với doanh nghiệp nhà nước và quản trị doanh nghiệp nhà nước, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, cho hay sau 13 năm cơ quan nhà nước nỗ lực ban hành nhưng kết quả cụ thể cơ bản không thay đổi, tổng thể trình độ quản trị doanh nghiệp cách xa so với chuẩn mực quốc tế. Chưa đảm bảo được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước đang can thiếp quá nhiều vào quyền tự chủ của doanh nghiệp.
Ví dụ, riêng một quyết định đầu tư của doanh nghiệp nhà nước có đến 6 bước thực hiện, với 9 nhóm cơ quan nhà nước can thiệp vào. Về công tác cán bộ và tiền lương, doanh nghiệp nhà nước bị giới hạn tối đa về tiền lương nên không thu hút được người tài bên ngoài vào.
"Nhiều doanh nghiệp nói rằng chúng tôi phải phục vụ nhiệm vụ chính trị nên kết quả còn thấp. Đó là một lý do nhưng rõ ràng thể chế có sự lúng túng nhất định trong xác định vai trò của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Có câu chuyện về lợi ích cục bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, hình thành nhóm lợi ích cản trở sự đổi mới. Giải pháp là phải hạn chế, giảm đi mối quan hệ này. Đã là doanh nghiệp thì mục tiêu chính là phải kinh doanh. Doanh nghiệp nhà nước thì phải lấy mục tiêu kinh tế là chủ yếu", ông Trung nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung đồng quan điểm khi cho rằng phải định vị lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đừng khoác cho nó chiếc áo thúc đẩy hay là vài trò hướng dẫn, dẫn dắt nữa. Nếu nói đó là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô là hoàn toàn sai. Bởi nếu thế sẽ làm thị trường méo mó. Hãy bắt họ thực hiện tốt nhất chức năng của họ là hiệu quả kinh doanh. Sau này đánh giá nó mới đơn giản, ai làm được gì thì định lượng cũng đơn giản.
Đã đến lúc đổi mới tư duy về vai trò của doanh nghiệp nhà nước. Việc đầu tiên phải thay đổi là buộc tất cả doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo thị trường. Chừng nào cạnh tranh được với thị trường quốc tế thì mới gọi đó là cạnh tranh, chứ hiện nay rất nhiều doanh nghiệp có xu hướng quay trơ về thị trường nội địa. Mà đã cạnh tranh thì phải để cho nó tự chủ kinh doanh, tự do kinh doanh trong phạm vi mục đích mà chủ sở hữu đặt ra. Hiện nay chúng ta không để cho doanh nghiệp nhà nước tự chủ, càng ngày càng có xu hướng hành chính hóa hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Doanh nghiệp nhà nước đầu tiên là doanh nghiệp đã, nên không gì khác phải là hiệu quả. Trong đó, hiệu quả tài chính phải đặt lên hàng đầu, tỷ suất lợi nhuận phải cao lên. Mục tiêu của nó cũng phải đi tìm kiếm lợi nhuận.
"Phải giao cho họ những nhiệm vụ cụ thể. Hiện nay, việc giao doanh nghiệp nhà nước phải bảo toàn phát triển vốn là cực kỳ mù mờ, không đánh giá được. Hãy giao cho doanh nghiệp nhà nước những nhiệm vụ đủ cao để chỉ những người tài mới hoàn thành được, chứ không phải giao nhiệm vụ đủ thấp để bất cứ ai cũng có thể hoàn thành, bởi như thế chỉ có con ông cháu cha, thân hữu mơi vào được đó", Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Post a Comment