Đọc bài "Vợ không kiếm được tiền nhưng liên tục đuổi tôi ra khỏi nhà" làm tôi thấy mình cần phải viết vì thấy bóng dáng mình trong đó, trong vai người vợ. Đầu tiên là câu chuyện của anh Lộc, không lẽ không kiếm được tiền thì dù anh thế nào cũng phải ở với anh? Đó có thể hợp lý với một số người ở Việt Nam thôi, còn ở Bắc Mỹ thì khác nhé. Anh so sánh xuất thân, hoàn cảnh sống của hai vợ chồng, anh đi làm, vợ "chỉ ở nhà" từ ngày lấy anh. Thật tội nghiệp vợ anh, ở xứ này mà bằng ấy năm nhốt mình làm ô sin cho bố con anh là sự hy sinh không hề nhỏ. Vợ chồng ăn ở với nhau, chia ngọt sẻ bùi, tính chi cái xuất thân giàu nghèo hay danh giá. Đành rằng hoàn cảnh tác động vào tính cách con người, nhưng đó là điều anh phải làm trước khi kết hôn, còn khi đã cưới thì phải dẹp điều đó sang một bên mà sống. Đầu hai thứ tóc mà giờ này còn tôi danh giá, vợ bần hàn thì sao anh yêu vợ được.
Tôi nghĩ người đàn bà mà anh tả bằng giọng coi thường kia làm sao yêu anh được, vợ anh cô đơn là cái chắc. Đã bao giờ anh thay vì năn nỉ mỗi khi vợ giận mà nghiêm túc đem vấn đề đó ra bàn bạc để xem đúng sai như thế nào, ý vợ ra sao, khả năng chấp nhận hay sửa đổi của vợ chồng anh đến đâu để thay đổi hoàn cảnh hiện tại không? Nếu chưa làm thì anh làm đi rồi hãy nói chuyện ly dị. Tôi nghĩ vợ đợi anh tận 10 năm để anh làm điều đó đấy. Còn chuyện của tôi, tôi cũng sử dụng hết khả năng, sức lực của mình, thấy rõ là mình đã đi đến cuối đường, chuẩn bị sang một ngã rẽ.
Vợ chồng tôi cũng sống ở Bắc Mỹ, cùng đi làm (tôi không hy sinh nhiều như vợ anh Lộc). Chồng tôi cũng không cờ bạc, rượu chè hay trai gái gì..., chỉ chơi cờ trên mạng thôi. Sáng ngủ dậy chồng tôi chỉ việc đi tắm, ra mở tủ lạnh lấy đồ ăn sáng. Nếu mở tủ ra mà không thấy đồ ăn bày sẵn ra là bắt đầu gầm gừ, hậm hực. Nếu có phải mở hộp có nắp đậy để lấy đồ ăn thì nắp hộp sẽ không bao giờ được đậy lại, mặc kệ đồ ăn còn lại đó có khô, hay héo úa cho người sau ăn. Tôi ngủ dậy, ra bếp sắp đồ ăn cho chồng, vì đồ ăn tuy đã được nấu sẵn nhưng chồng tôi bảo "Chẳng biết cái gì vào cái gì". Vì đồ ăn trong nhà 100% là do tôi nấu, tôi bày, tôi dẹp nên anh nói thế.
Đi làm về chồng tôi thích thì đi tắm ngay, không thích lại đứng bốc đồ ăn tôi nấu cho bữa tối, xong ngả máy tính bảng "đọc vội" vài tiếng đồng hồ tin tức kiểu "hôm nay đội nào lên bảng, xuống hạng, có ai lừa đảo, kiện tụng gì không". Còn khi chồng tôi đã mở trang cờ ra thì thôi rồi, anh lại bận điều binh khiển tướng. Thế là anh ngồi một mạch năm ba tiếng giữa ồn ào sinh hoạt của mấy mẹ con tôi. Mặc cho chúng tôi tất bật cố gắng hoàn thành những sinh hoạt tối thiểu sớm nhất có thể để còn nghỉ ngơi, mỗi người còn được ít phút làm những việc mình yêu thích rồi đi ngủ. Con tôi có khi mấy ngày anh chẳng gọi tên, chẳng quan tâm gì, con cái hoàn toàn xa lạ với anh. Nhìn anh dốc toàn sức lực còn lại sau một ngày làm việc vất vả cho những ván cờ, những trận đá bóng tôi thấy mình thật có lỗi khi để con có người bố như thế.
Con tôi còn nhỏ nhưng cháu đã cảm nhận được và không hề gần bố. Cháu trả lời tôi là bố quá khác biệt, xa cách. Tôi nhiều lần cảnh báo rằng chúng tôi sẽ rời bỏ nếu anh còn tiếp tục vô cảm với cuộc sống của mấy mẹ con. Anh phớt lờ, còn tỏ rõ thái độ thách thức. Hơn ai hết tôi là người có trách nhiệm lớn đối với bản thân và các con. Tôi không thể để con mình hàng ngày chứng kiến một người bố nghiện chơi cờ đến mức mù loà trước tất cả những gì diễn ra xung quanh. Tôi thì đi làm và làm 100% công việc nhà, con cái còn nhỏ dại, cần rất nhiều sự tập trung mới có thể duy trì được cuộc sống mỗi ngày không lộn xộn.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, nghiêm túc về vấn đề của gia đình mình, đến giờ tôi đầu hàng, chấp nhận làm mẹ đơn thân để có thể mang đến cho bản thân và con cái một cuộc sống trong trẻo hơn. Tôi không muốn con nhìn thấy cảnh mẹ tất bật làm lụng, lo lắng, sinh hoạt với chúng trong khi bố cứ nằm duỗi chân, cắm mặt vào máy tính bảng lâu hơn nữa. Tôi không muốn các con cảm thấy vô cảm với người xung quanh và coi đó là bình thường. Tôi càng không muốn con lớn lên chỉ "thích chơi cờ thôi" như lời anh Lộc hay chồng tôi nói. Với một môi trường mà các thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm, thương yêu lẫn nhau, tôi tin các con lớn lên sẽ sống như thế với gia đình nhỏ của mình và với xã hội.
Quyết định này của tôi không hề dễ dàng, tôi đã nói chuyện nghiêm túc với chồng không dưới 10 lần, cho anh thời gian hai năm để có thể thay đổi. Thời gian đã qua, anh ngày càng chơi cờ giỏi hơn, giành hết tâm sức với tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt và xem tôi như vật vô tri vô giác, tôi đành để anh ra đi.
Kim
Post a Comment