Donna Nayler đã nhìn thấy những thứ mà ngay cả một tên tội phạm cứng rắn nhất cũng phải rùng mình. Suốt 6 năm qua, cô làm nghề dọn dẹp hiện trường tội ác.
Dọn dẹp những ngôi nhà tung tóe vết máu, thi thể phân hủy và những thứ ghê sợ còn sót lại là công việc hàng ngày suốt 6 năm qua của người phụ nữ Australia 30 tuổi này, kể từ khi cô bỏ nghề làm tóc toàn thời gian để làm chuyên gia xử lý hiện trường tội ác.
Suốt từng ấy năm qua, Nayler làm một trong những công việc ghê rợn nhất mà người bình thường khó có thể tưởng tượng. Đó là đưa một hiện trường vụ án đẫm máu trở lại như cũ, như thể chưa từng xảy ra chuyện gì, sau khi cảnh sát đã thu thập đủ những bằng chứng họ cần.
"Có lần, tôi bước vào trong một ngôi nhà và trông thấy thi thể một nạn nhân nữ bị bạn trai giết hại. Cảnh tượng đó khiến tôi thực sự chấn động", Nayler kể. Cô cho hay, mỗi hiện trường tội ác đều in dấu trong trí nhớ của cô, song có những cái ám ảnh hơn hẳn.
"Một cảnh tượng ghê rợn khác mà tôi từng chứng kiến, đó là vụ giết hại trẻ nhỏ. Đứa bé mới hai tháng tuổi... Tôi vô cùng đau buồn khi chứng kiến một số việc mà mọi người làm ra, song tôi thấy nhẹ nhõm vì biết mình có thể xử lý công việc này", cô nói.
Người dọn dẹp hiện trường tội ác còn cho biết, không ít người đã lao tới nơi xảy ra án mạng để xem, thậm chí là một số ông bố bà mẹ đang lái xe chở con nhỏ còn ngó nghiêng.
Dù không phải là một người hâm mộ dòng phim kinh dị, song người phụ nữ 30 tuổi này thú nhận, cô vẫn so sánh hiện trường tội ác mà cô dọn rửa với những gì trong các bộ phim.
"Trong các bộ phim kinh dị, khi bị ai đó truy đuổi, nạn nhân liền chạy vào phòng ngủ ẩn nấp. Trong đời thực cũng như vậy. Tôi có thể biết chính xác những gì đã xảy ra, họ ở đâu, chạy đi đâu, và thông thường nạn nhân sẽ chết trong phòng ngủ".
Theo Nayler, bản năng sống sót tự nhiên sẽ khiến nạn nhân chạy về phòng ngủ, nơi họ cảm giác an toàn nhất, song đóng cửa phòng lại sẽ khiến nạn nhân cầm chắc cái chết. Nayler gợi ý, bất cứ ai trong tình huống như vậy cũng nên chạy ra bên ngoài.
Đôi khi, cô Nayler cũng phải dọn rửa hiện trường các vụ tự vẫn, tai nạn công nghiệp... Trong đó, phần lớn là các vụ chết không ai biết, thi thể đang thời kỳ phân hủy. "Công việc này giúp bạn biết rằng, có nhiều người cô độc trên thế giới này", cô nói.
"Có những người đã chết được nhiều ngày hay nhiều tuần, và mãi tới khi dịch thấm qua trần nhà, rớt xuống tầng dưới, thì mọi người mới biết. Nếu mọi người chịu khó hỏi thăm hàng xóm hơn thì tôi đã không có nhiều việc phải làm thế này", Nayler kể.
Theo Nayler, ngoài công việc xử lý thi thể người chết, cô còn giữ vai trò lớn hơn. Đó là an ủi người còn sống.
Post a Comment