Tôi là tác giả bài: "Chồng từng muốn chăm con để tôi kiếm tiền". Có rất nhiều ý kiến trái chiều vì thông tin trước tôi nói không đầy đủ, xin được chia sẻ chi tiết hơn.
Cảm ơn ý kiến phản hồi của mọi người và cũng xin lỗi độc giả trong bài viết trước lời lẽ thiếu chừng mực, lúc viết tôi đang rất bức xúc vì chồng tuyên bố tôi phải đền bù anh 10 năm.
Cuộc sống này không có trắng đen tuyệt đối, phụ nữ quyết tâm đi học đi làm như tôi để chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào chồng đôi khi bị cho là "qua cầu rút ván". Trước tiên, phải khẳng định không có người thứ ba, nguyên nhân ly hôn là do người phụ nữ không cảm thấy được chia sẻ và tôn trọng, đặc biệt trong thời gian không đi làm để chăm con và do thời vào điểm khó khăn người chồng đã quyết định rời đi. Hiện tại tôi chỉ là nhân viên văn phòng với mức lương đủ sống, càng không có ý định tìm một người đàn ông khác. Sẽ không người đàn ông nào đối xử với con tôi tốt hơn bố chúng. Chúng tôi đều tốt nghiệp đại học, có bằng thạc sĩ, công việc làm ổn định và hai gia đình đều có nhà tại một thành phố lớn khi đến với nhau cách đây 13 năm.
Chồng bắt đầu đi làm tạm thời ở nước ngoài khi con lớn được một tuổi, hoàn toàn là quyết định thuyên chuyển bất ngờ. Chúng tôi mất một năm làm giấy tờ để hai mẹ con sang đoàn tụ. Trong 5 năm sau đó, cuộc sống là tạm thời và công việc cũng thế vì chúng tôi không nhìn thấy cơ hội định cư. Sau khi đi học và đi làm, tôi đủ điều kiện làm hồ sơ định cư cho cả gia đình, bao gồm cả chồng. Việc ly hôn là quyết định cá nhân chứ chưa xảy ra trên giấy tờ để đảm bảo việc định cư của anh không bị ảnh hưởng.
Tôi học trường cao đẳng cộng đồng và đóng học phí bằng với dân ở tại thành phố chứ không phải học phí cho sinh viên quốc tế. Học phí ba năm tôi đi học chỉ bằng chi phí gửi hai trẻ một tháng. Tôi không mua sách mà sử dụng sách thư viện hoặc lén chụp sách thư viện về đọc trên máy tính để không tốn tiền. Vì sao tôi không đi làm mà đi học vào thời điểm đó? Bởi một con 3 tuổi cần chăm sóc đặc biệt, một con mới sinh nên chỉ đi học khoảng 4 lớp một tuần thì thời gian còn lại tôi mới chăm sóc con được. Ai từng ở nước ngoài có thu nhập thấp muốn gửi trẻ miễn phí đều biết bố mẹ phải đi học hoặc đi làm thì con mới đi trẻ được. Sao không ở nhà chăm con? Bởi con tôi sinh ra thiệt thòi nên khi cháu 3 tuổi chúng tôi muốn con được giao lưu với xã hội và có bạn bè. Chồng không phải người chấp nhận làm việc chân tay hay làm nhiều công việc một lúc để lo cho gia đình, vì thế kinh tế gia đình yếu, bù lại anh biết tham gia việc chăm sóc con. Công việc đầu tiên của tôi ở nước ngoài khi chưa kiếm được việc ổn định là đi rửa bát.
Trong thời gian tôi không có thu nhập, chồng có để một tài khoản ở nước ngoài đủ tiền sinh hoạt trong đó. Tài khoản tiết kiệm ở Việt Nam và các thu nhập đổ vào tài khoản đó tôi không hề biết. Anh nói ngân hàng trong nước không cho đứng tên chung trên tài khoản. Như vậy trong thời gian tôi không có thu nhập, việc chi tiêu hoàn toàn nằm trong kiểm soát của chồng, trong khi anh chủ động các chi tiêu khác không cần tôi biết. Ví dụ về việc bố mẹ chồng sang du lịch đã thể hiện thái độ của anh. Anh kiếm ra tiền nên chi tiêu cho bố mẹ ra sao không liên quan gì tới tôi. Vì vậy khi tôi đi làm, giữ tài khoản đứng tên mình là khẳng đinh về sự độc lập. Anh yêu cầu đứng tên trong tài khoản là một biểu tượng của sự kiểm soát.
Chồng cũ không phải người vô trách nhiệm với con vì khi tôi làm mẹ đơn thân và yêu cầu anh góp chi phí nuôi một con, anh có thực hiện. Vấn đề ở đây là con tôi cần người chăm, tôi cần tiếp tục đi làm toàn thời gian trong khi chờ hồ sơ định cư được thông qua, có điều anh từ chối đứng bên chúng tôi. Nếu tôi vì chăm con mà mất việc thì cơ hội định cư chấm hết. Tôi có vài người bạn lớn tuổi là người nước ngoài ở đây. Có ý kiến cho rằng chồng tôi tức lên thì nói chứ lòng dạ không hẳn vậy. Tôi cũng đồng tình với ý kiến này vì khi anh không kiểm soát tài khoản của tôi được là lúc anh nói về tiền công trông con. Khi anh biết tôi đã kiên quyết ly hôn, anh đòi lại 10 năm hy sinh cho gia đình. Nói từ hy sinh rất nực cười vì khi hai người lớn quyết định lấy nhau và sinh con tức là cam kết trách nhiệm với con cái cả đời, đó là trách nhiệm, không phải hy sinh.
Cũng chia sẻ với các chị em từng nghỉ làm việc nuôi con, chúng ta không ăn bám trong thời gian đó vì nếu vợ chồng làm đủ để trả công thuê người chăm con thì người mẹ sẽ không phải nghỉ làm. Anh là kế toán, đi làm kiếm thu nhập, còn vợ anh chăm con thì tiết kiệm chi phí. Chi phí thuê người giữ trẻ 10 giờ mỗi ngày, 22 ngày mỗi tháng chắc chắn lớn hơn thu nhập trung bình của một người. Nếu ly hôn, chồng sẽ phải trả chi phí cho thời gian vợ nghỉ việc chăm gia đình. Hy vọng Việt Nam có luật này.
Cuối cùng, sau khi chồng cũ có giấy định cư, anh đã có một quyết định dũng cảm nhất mà tôi từng thấy, đó là chia sẻ trách nhiệm nuôi con với tôi. Hai con tôi sắp tới sẽ sống ở cả nhà bố và nhà mẹ. Trước kia hai con cũng nói muốn bố mẹ sống cùng nhau nhưng sau nhiều lần thấy bố mẹ cãi vã, sau một năm ba mẹ con sống cùng nhau thấy bình yên hơn, hai con đều đồng ý việc không nhìn thấy cãi vã là điều tốt nhất, điều cần nhất là có tình yêu từ cả hai.
Câu chuyện của tôi chia sẻ không phải để than khổ vì quyết định định cư ở nước ngoài sẽ vất vả hơn ở quê hương, nơi có gia đình bên cạnh. Tôi cũng không chia sẻ để tán dương mình vì bản thân có một cuộc hôn nhân thất bại, các con cũng phải chịu khó khăn cùng tôi. Nhiều chị em có cách ứng xử khôn ngoan hơn có thể chèo lái cuộc hôn nhân tốt hơn tôi. Tôi chỉ muốn nói với các người vợ, người mẹ đang cảm thấy bị đối xử bất công: "Hãy tìm đường cho mình". Trong hôn nhân, chúng ta không thể thay đổi nhau nên nếu không chung sống được thì phải tìm con đường khác.
Thảo
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.
Post a Comment