Tôi và chồng cùng tuổi, học cùng cấp 3. Từ đầu, tôi là người chủ động tán tỉnh, sau đó yêu xa, cuối tuần mới gặp, khoảng một năm thì cưới.
Thực ra, ngay từ lúc yêu, tôi đã nhận ra một số quan điểm không hợp giữa chúng tôi, định tìm hiểu thêm rồi mới cưới. Thế nhưng hai bên gia đình gặp nhau và tự quyết định ngày cưới làm chúng tôi vào thế chẳng đành, cưới sớm hơn dự định.
Sau ngày cưới, chúng tôi vẫn có những tính nết làm nhau khó chịu. Chồng hay dỗi, mỗi lần dỗi là nhịn cơm khiến tôi phải làm lành anh mới chịu ăn. Những lần cãi nhau, thay vì nói rõ ràng mọi chuyện thì anh luôn chọn cách im lặng. Tình hình cải thiện hơn sau khi chồng bỏ việc ở xa để về chỗ tôi đang sống tìm việc. Lúc đó, chúng tôi mới thực sự như vợ chồng, chồng rất chiều tôi. Tuy nhiên, tìm việc ở thành phố mới khó khăn hơn dự định, vì thế anh quyết định đi Nhật theo diện kỹ sư. Quyết định đi này một phần do tôi, tôi muốn mua nhà chung cư trả góp nên chồng áp lực tiền bạc.
Ngày anh đi, tôi mang thai hơn một tháng. Trên đường đi tiễn về, tôi nhận được tin nhắn của chồng là không muốn đi. Lúc đó tim tôi như ngừng đập và khóc suốt đêm mà không dám phát ra tiếng vì bác tôi đến ngủ cùng, sợ bác lo lắng. Sau đó là chuỗi ngày bầu bí của tôi, nhiều lúc thấy bạn bè kể được chồng đưa đi khám thai mà tôi tủi thân, chảy nước mắt. Lúc anh mới sang Nhật, chúng tôi hay nói chuyện mỗi tối, rất vui vẻ. Chồng vẫn hỏi han quan tâm tôi như ở nhà. Sau đó, các cuộc nói chuyện nhạt dần và sự im lặng tăng lên.
Tôi nhận thấy có điều gì không ổn trong tình cảm của chúng tôi nên quyết định sinh xong sẽ sang Nhật cùng chồng. Quyết định này khá khó khăn với tôi, vì tôi đã có công việc gọi là ổn định ở nhà. Tôi lại nghĩ lấy chồng rồi thì việc giữ gìn hạnh phúc gia đình mới quan trọng nên bỏ ngoài tai lời khuyên ngăn của gia đình. Ngày tôi sinh, buổi sáng vào viện tôi đã chụp ảnh mặc áo viện cùng với lời nhắn chồng: "Em đang ở viện rồi". Chờ mãi đến khi đẻ xong cũng không thấy cuộc gọi của chồng, tôi đang mệt lại phải tự gọi cho chồng để thông báo. Từ lần đấy, tổn thương đầu tiên trong lòng tôi xuất hiện.
Con được hơn 5 tháng, tay tôi bế con, vai xách balo sang Nhật với niềm tin cuộc sống vợ chồng sẽ trở lại như hồi anh chưa sang Nhật. Vậy mà anh chào đón tôi bằng cảnh nhà cửa lộn xộn, tủ lạnh không có chút đồ ăn. Bữa đầu tiên sang Nhật, mẹ con tôi phải ăn lại đồ còn thừa từ hôm trước. Lúc đó tôi tự an ủi là chồng đi làm mệt không kịp chuẩn bị, công việc của anh khá vất vả.
Tiếp sau đó là chuỗi ngày chồng đi làm việc và về nhà ngủ, mỗi ngày chắc chỉ có 30 phút ăn cơm là lúc anh trò chuyện với vợ con. Tôi thương chồng, thường dậy lúc 5h sáng để nấu ăn, chờ chồng đi làm đêm về ăn, vậy mà anh không ăn, cứ thế đi ngủ. Sau nhiều lần như thế, tôi không còn dậy sớm nấu nữa, cảm giác sự quan tâm của mình bỏ ra không được coi trọng. Đỉnh điểm của sự tổn thương là khi tôi đến ngày đèn đỏ, chồng đi làm đêm về tôi nhờ đi mua đồ phụ nữ. Mặc cho tôi năn nỉ, cầu xin mà chồng nhất định không đi mua, chỉ muốn ngủ. Mọi người sẽ hỏi tại sao tôi không đi mua? Bởi tôi một chữ bẻ đôi tiếng Nhật không biết, còn không biết bao bì nó như thế nào, con lại nhỏ, siêu thị cách nhà một km và phải đi bộ, không có xe đi. Đây là lần thứ hai lòng tôi lặng đi, tổn thương lớn dần, cảm giác bị bỏ lại, cô đơn nơi xứ người.
Khi công việc của anh giảm bớt, có thời gian dành cho gia đình hơn, nhưng sau công việc anh lại quan tâm đến việc học. Tối nằm ngủ, cứ chờ chồng học xong để tâm sự mà chờ mãi không thấy đâu. Tôi lại tự ôm gối ngủ trong nước mắt. Nhiều lần tôi muốn nói chuyện, anh lại quay mặt đi xem điện thoại. Tôi bảo tắt điện thoại đi nói chuyện tử tế với vợ mà anh không đồng ý, bảo vừa xem vừa nghe. Tôi cảm thấy không được tôn trọng nên không nói chuyện nữa, lại tự mình lau nước mắt.
Chồng cũng hay so sánh chuyện học tiếng của tôi với những người khác, rồi khen họ giỏi này nọ. Tôi bị áp lực chuyện học nên cũng cố gắng nhưng không tiến triển mấy. Tôi còn nghĩ, chắc mình không đi làm nên bị coi thường, vì thế rất sốt sắng trong vấn đề tìm việc. Tôi định nhờ người Việt giới thiệu việc cho tôi, chồng không cho nhờ, bảo phải tự kiếm. Sau đó, với vốn tiếng ít ỏi, tự đi phỏng vấn thì bị trượt. Lần thứ hai, tôi tự ý nhờ người Việt kia xin hộ, ông giám đốc siêu thị đã cho cơ hội phỏng vấn lại và lần này cho phép chồng phỏng vấn cùng. Có điều còn phải gặp một lần nữa để đưa giấy tờ và trao đổi. Lần này, không biết vì dỗi cái gì, chồng lại để tôi đi một mình mặc cho tôi năn nỉ. Lần thứ hai kể từ khi sang Nhật, tôi lại bị bỏ rơi.
Từ lúc sang đến giờ đã hai lần chồng bảo tôi và con về nước. Tôi nghĩ giờ chưa có cái gì trong tay để về xin việc, về thì phải có sức để nuôi con, chứ không mẹ con cùng khổ. Thế nhưng đến hôm nay, khi giọt nước tràn ly, lần thứ ba chồng đề cập chuyện này, tôi đã có can đảm để đồng ý trở về. Đây là lúc phù hợp để ít ra chúng tôi vẫn còn chút tôn trọng nhau, chứ để lâu sợ rằng chỉ còn nỗi thù hằn. Tôi đã hỏi chồng phân chia tài sản và trợ cấp nuôi con thế nào. Chồng bảo còn suy nghĩ và nói tôi lúc nào cũng quan tâm đến tiền. Tôi trả lời: "Tất nhiên phải quan tâm đến tiền rồi, vì con đã thiếu bố, ít ra về vật chất cũng hạn chế để con phải thiếu thốn".
Tôi biết, cuộc sống sau này sẽ rất vất vả vì về Việt Nam không biết sẽ làm gì, tiếng Nhật còn dở dang, lại đang dịch bệnh nhưng tôi sẽ chấp nhận đương đầu với tất cả, sẽ mạnh mẽ hơn để cho con cuộc sống tốt. Tôi sẽ không về lại Hà Nội, nơi có những đau thương của bản thân, mẹ con tôi sẽ bắt đầu ở một thành phố khác, nơi không ai biết chúng tôi, nơi không phải gặp những ánh mắt thương hại, những lời lẽ cay độc từ người quen biết. Tôi sẽ không nhờ bố mẹ giúp đỡ, bởi sai lầm của bản thân phải để tôi tự trả giá. Hy vọng rằng, khi cơn mưa qua đi, ánh nắng sẽ chiếu rọi, tiếp sức cho mẹ con tôi bước tiếp. Cám ơn mọi người đã đọc tâm sự này, thế là đủ với tôi rồi.
Nguyệt
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.
Post a Comment