Tôi 37 tuổi, đã một lần đổ vỡ, có một con trai 15 tuổi sống với mẹ.

Do hoàn cảnh khó khăn nên tôi chỉ học trung cấp rồi đi làm cho một công ty với mức lương nhân viên bình thường. Tôi và em quen nhau được hơn một năm. Em nhỏ hơn tôi 12 tuổi, nhà e chỉ có hai chị em nên được cha mẹ lo lắng đầy đủ. Khi mới quen, em nói đã tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng không muốn đi làm và đang học ở một trường cao đẳng khác. Sau này tôi biết được em đã bỏ học đại học giữa chừng, còn lý do thì tôi không biết. Bây giờ em lại muốn nghỉ học đi làm nhưng em làm chỉ được chừng một hai tháng là than chán, không muốn tiếp tục nữa, chỉ nằm ở nhà online, hôm nào siêng thì nấu ăn, còn không thì đi ăn ngoài. Tối thì em thức đến khuya, sáng ngủ đến trưa.

Tôi đã nói nhiều lần, thậm chí la mắng nhưng em không có chút thay đổi nào. Dịch bệnh tôi nói không đi làm thì về quê với ba mẹ, em cũng không về, đợi tôi la thì mới về. Có phải tôi khó tính, gia trưởng hay do lệch nhau về tuổi tác mà suy nghĩ và lối sống khác nhau. Xin mọi người cho tôi lời khuyên. Xin cám ơn.

Thái

Chuyên gia tâm lý Phong Nguyên gợi ý:

Thái thân mến ,

Đọc bức thư của bạn, tôi cảm nhận được sự lo lắng bạn dành cho người yêu, những gì bạn kể cho thấy bạn thực sự để tâm đến cô ấy. Trong mối quan hệ này, bạn luôn là người quan tâm và mong muốn cô ấy đạt được những thành tựu riêng của mình và sẽ có nhiều cơ hội tốt đến với cô ấy. Vai trò của người lớn hơn trong mối quan hệ làm tăng cảm giác muốn được chăm lo cho cô ấy một cách tỉ mẩn nhất có thể ở bạn. Bạn có nhiều kỳ vọng, vì vậy khi nhất thời mọi thứ không như mong muốn, bạn cũng có những hụt hẫng nhất định. Những lời to tiếng hay la mắng cũng xuất phát từ sự sốt ruột và mong mỏi cô ấy mau chóng có một cuộc sống tốt hơn, tích cực hơn, và xa hơn nữa có thể sẽ là một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc mà ở đó hai người có nhau.

Tuy nhiên, xét về mối quan hệ lãng mạn, tất cả những hy vọng của bạn có thể hơi khác so với mong muốn của cô ấy. Sự khác biệt về hoàn cảnh sống cũng khiến quan điểm và cách phản ứng trước mọi chuyện của hai người khác nhau. Bạn là người đã có công việc khi còn sớm và quen với việc chăm chỉ làm lụng để có cuộc sống tốt cho bạn và những người yêu thương. Điều này lý giải cho việc bạn cảm thấy lo lắng cho người yêu khi cô ấy chưa có nhiều hành động để chuẩn bị cho cuộc sống sau này. Ngược lại, cuộc sống được bố mẹ nâng đỡ nhiều ngay từ khi còn bé có thể khiến cô ấy có cái nhìn khác về việc đi làm. Ở thời điểm hiện tại, cô ấy chưa cảm thấy cần thiết phải có việc làm, hoặc việc tìm việc làm chưa phải là điều quan trọng lúc này. Những điểm khác biệt này là tất yếu và xảy ra với bất cứ mối quan hệ nào. Theo quan điểm chuyên môn của mình, tôi cho rằng đây là lúc bạn cần bình tĩnh và tìm ra câu trả lời cho câu hỏi sau: "Mục tiêu trong mối quan hệ của bạn và bạn gái là gì? Và liệu giữa chúng có những điểm chung nào?".

Trong mọi mối quan hệ, việc hai người đáp ứng được những nhu cầu, mong muốn của nhau luôn là tiêu chí quan trọng trong việc duy trì chất lượng kết nối giữa hai bên, tránh cho mối quan hệ trở nên chớp nhoáng, tạm thời. Tôi hy vọng thay vì giục giã và la mắng bạn gái, bạn có thể cùng cô ấy chia sẻ cho nhau những mong muốn của mình với đối phương. Cô ấy đang ở độ tuổi gặp nhiều khó khăn trong việc lập nghiệp cũng như nhìn nhận đúng đắn về bản thân. Vì vậy, có thể cô ấy chưa thực sự hiểu được những gì bạn mong muốn và gửi gắm. Tôi tin bạn sẽ là người đồng hành kiên nhẫn hướng dẫn, yêu thương bạn gái. Ở phía ngược lại, bạn cũng cần hiểu những nhu cầu của cô ấy về mình và cả hai sẽ cùng nhau thống nhất có thể làm được những gì cho nhau.

Giao tiếp sẽ là yếu tố quan trọng để hai người hiểu nhau hơn. Khoảng thời gian giao tiếp nên được dành để lắng nghe, tôn trọng và không to tiếng giữa cả hai bên. Những điều này cũng nên được thống nhất ngay từ đầu giữa hai người, ví dụ như: "Anh biết đôi khi anh còn to tiếng với em, khiến không khí giữa hai đứa nhiều lúc hơi căng thẳng. Từ giờ anh sẽ cố gắng để những cuộc nói chuyện của chúng mình mềm mỏng hơn, lắng nghe nhau hơn, và anh mong em sẽ cùng anh làm như vậy để chúng mình có thể chia sẻ được nhiều điều, em thấy sao?". Chỉ cần những nguyên tắc nhỏ này được cả hai thực hiện, những câu chuyện giữa hai người sẽ đem lại nhiều kết quả tích cực. Có thể đằng sau biểu hiện chán nản, không muốn làm việc là những khó khăn mà cô ấy chưa thể nói ra với ai, vì vậy những câu nói thể hiện sự quan tâm sẽ giúp cô ấy yên tâm hơn phần nào: "Anh sẽ luôn ở bên em, đồng hành cùng em, vì vậy nếu có bất cứ điều gì anh có thể làm cho em cảm thấy tốt hơn thì mong em hãy mở lòng hơn với anh". Nếu những câu nói trên còn xa lạ với bạn, thay vì nói ra bằng lời, trước tiên bạn có thể sử dụng tin nhắn để chuyển đến cô ấy sự quan tâm, cũng là để tập cho bản thân quen với cách giao tiếp mới hiệu quả hơn.

Bức thư của bạn cho thấy bạn đang hướng đến một tương lai hạnh phúc với bạn gái. Tuy nhiên hai bạn mới quen nhau được hơn một năm, còn rất nhiều điều cần hai bạn hiểu thêm về nhau. Hơn nữa sẽ còn rất nhiều thay đổi trước mắt: khi bạn gái có công việc ổn định, hoặc khi cô ấy thay đổi thói quen, thay đổi lối sống hiện tại,... Tương lai vốn bất định, vì vậy những gì bạn đang thấy và cảm nhận ở thời điểm hiện tại chỉ đúng với hiện tại và mang tính tham khảo cho tương lai.

Những khúc mắc và sự thiếu hài lòng với đối phương là việc không thể tránh khỏi khi hai người có những đặc điểm khác biệt cùng ở bên nhau. Việc học cách chấp nhận và tìm ra những mong muốn của cả hai luôn cần làm để tiến tới một mối quan hệ ổn định, hạnh phúc sau này. Tất nhiên, tất cả những hành động này đều cần được đặt trên nền tảng của tình yêu thương và sự kiên nhẫn. Chúc hai bạn sẽ sớm tìm được tiếng nói chung, cùng đồng hành, hỗ trợ nhau trong cuộc sống sau này.

Độc giả gọi vào số để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top