Đừng chạm vào những thứ không thuộc về mình, dẫu chúng đẹp đến mấy

Ai trong chúng ta cũng tôn sùng những giá trị chân-thiện-mỹ và muốn có được tất cả những điều tốt đẹp. Thế nhưng, cha nói với tôi rằng: “Con không phải là người duy nhất trên thế giới này. Con không thể có được mọi thứ mà mình muốn. Vạn vật trên thế giới đều có logic sinh tồn của riêng chúng. Chúng ta luôn phải giữ tâm thế kính sợ chứ không được chiếm hữu, càng không được phá hủy chúng.” 

Đó là mùa hè năm 1961, tôi mới 11 tuổi. Mùa hè ở Thượng Hải hết sức ngột ngạt, và trên các nhánh cây ngô đồng ngoài cửa sổ có rất nhiều ve sầu. Những buổi chiều oi bức, chúng như thể đang da diết kêu than: “Nóng chết đi được, nóng ơi là nóng!”

Những cánh cửa chớp gỗ trong phòng khách đã được đóng lại và quạt phả từng luồng gió qua những khối đá1 lớn, căn phòng nhanh chóng mát dịu. Cha tôi luôn giữ thói quen nghỉ trưa, ông đang nằm trên ghế sofa lớn, hai mắt nhắm nghiền, vẻ mặt an yên. Máy quay đĩa vẫn dặt dìu những giai điệu trong On wings of song, tác phẩm nổi tiếng của Mendelssohn. Tiếng nhạc du dương vọng tới mọi góc nhà, nhưng âm lượng không lớn nên có lẽ những người bên ngoài sẽ chẳng thể nghe thấy.

Thường thì các cô bé ở độ tuổi của tôi sẽ thích lang thang đuổi hoa bắt bướm trong vườn. Cha đang nghỉ trưa, còn tôi thì chẳng hề muốn đọc sách vào một ngày nóng nực như thế. Thế là tôi lén trốn cô bảo mẫu, và nhân lúc công nhân vận chuyển đá lạnh đang ra ra vào vào, tôi âm thầm lẻn ra vườn. Tôi đuổi theo những cánh bướm dập dìu, mải mê đào giun dưới gốc cây cổ thụ. Đột nhiên, tôi thấy có thứ gì nho nhỏ rơi từ trên cây ngô đồng xuống. Một con sâu róm xinh đẹp đang ngọ nguậy thân mình sặc sỡ, thuôn dài trên nền đất. Thấy nó thật dễ thương và đẹp đẽ, tôi cầm nó lên tay, định nhờ cô bảo mẫu bỏ vào lọ để ngày ngày chăm sóc và nuôi nó lớn.

Thế nhưng khi tôi tóm lấy, con sâu róm bỗng giận dữ xù lông, đâm thẳng vào lòng bàn tay tôi. Bàn tay ấy nhanh chóng sưng tấy, đỏ lựng, vừa đau vừa ngứa. Nước mắt tôi lã chã rơi nhưng lại chẳng dám ngoác miệng gào khóc.

Chúng ta thường không biết rằng, khi xem xét mọi việc theo logic của mình hoặc dốc sức nuôi dưỡng một sinh vật nào đó, thực ra chúng ta đã vi phạm các quy luật tự nhiên và xâm phạm quyền sinh tồn của sinh vật đó. Thế nên con sâu róm kia đã sử dụng toàn bộ “công lực”, dốc sức chống lại sự xâm phạm của tôi và chấp nhận dùng tính mạng để bảo vệ “phẩm giá sinh mệnh” của chính nó. Tôi cố nén cơn đau, lã chã nước mắt chạy vào phòng khách để cầu cứu cha.

Sẽ không có ai nên hoặc phải có nghĩa vụ phục vụ bạn. Dù cầu xin sự trợ giúp của ai đi chăng nữa, chúng ta đều phải thể hiện sự hối lỗi, ngay cả khi người đó là cha mẹ của bạn. “Cha ơi, con xin lỗi đã làm phiền giờ nghỉ của cha, nhưng cha giúp con nhổ những cái gai này ra với!” Cha vội vàng ngồi dậy, nhìn bàn tay nhỏ bé đang sưng tấy của tôi, nhanh chóng đi lấy hộp sơ cứu và giúp tôi tiêu độc bằng rượu.

Cha đeo cặp kính lão và cẩn thận giúp tôi rút từng cái gai ra. Tôi biết cha đang xót xa, nhưng cha vẫn cố tình làm ngơ trước khuôn mặt đẫm nước mắt của tôi và không hề nói nửa câu vỗ về.

Thông thường, trong quá trình giáo dục con cái, khi con vô tình phạm lỗi, cha mẹ hoặc sẽ trút giận lên con sâu róm, chỉ muốn giơ chân giẫm chết chúng cho hả dạ, hoặc sẽ không tiếc lời trách mắng con, bắt chúng tự làm tự chịu, mặc cho chúng đứng đó gào khóc. Cách giáo dục con của người Do Thái là giải quyết vấn đề trước, rồi mới giải thích đúng-sai, phải-trái.

Cha giúp tôi xử lý vết thương, quấn băng xong xuôi rồi mới ân cần hỏi: “Có đau không con?” Ông vừa chậm rãi lấy khăn lau mặt cho tôi, vừa bắt đầu dạy dỗ tôi. Bàn tay sưng đỏ này là cái giá đau đớn mà tôi buộc phải hứng chịu vì đã xâm phạm đến sinh mệnh. Cha bảo tôi ngồi bên cạnh, mỉm cười đôn hậu và nói: “Sara này, con nhất định phải nhớ rằng con là người thân duy nhất của cha, là duy nhất trong gia đình này, nhưng chắc chắn con không phải là duy nhất trên thế giới này. Trên thế giới có rất nhiều thứ dễ thương và đẹp đẽ, có rất nhiều thứ mà con sẽ thích, nhưng không phải cứ muốn là được. Con không nên buông lơi trí tò mò, nhưng cũng không được tùy tiện chạm vào và cố gắng chiếm đoạt điều gì đó. Đặc biệt là với một cô gái, phải suy nghĩ kỹ trước khi làm bất cứ điều gì. Những thứ không thuộc về con thì dẫu đẹp đẽ đến mấy cũng không được chạm vào. Kính sợ từng sinh mệnh trong thế giới tự nhiên này chính là một trong những đức tính tốt đẹp nhất của con người.”

Nói hết những lời dạy dỗ rút ruột rút gan đó, cha nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng, như thể đổ tràn tình yêu thương nồng ấm lên tâm hồn bé nhỏ của tôi. Con sâu róm xinh đẹp có thể khiến tôi đau buốt, nhưng đồng thời, cũng giúp tôi ngộ ra một quy tắc sinh tồn trong suốt chặng đường đời. Đó là dẫu gặp chuyện gì cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng rồi mới hành động, khi gặp chuyện phải biết nhượng bộ, phải dùng tâm thái kính sợ để đối diện với thế giới, vừa phải tôn trọng quyền lợi của người khác, nhưng cũng phải giữ trọn không gian sinh tồn của mình.

Thông qua “sự kiện sâu róm” lần này, cha đã dạy cho tôi cách tôn trọng từng sinh mệnh trên thế gian, đối xử tử tế với mọi người, cảm ơn đất nước và người dân nơi đây vì đã tôn trọng, mở rộng tấm lòng bao dung với người Do Thái. Bởi lẽ trên thế giới này, dù có vui, buồn, mừng, giận ra sao, bạn cũng không thể là duy nhất. Do đó, chúng ta không thể lấy mình làm trung tâm, lấy lợi ích của riêng mình làm tiêu chuẩn đánh giá mọi việc. Bạn là duy nhất của riêng bạn, hoặc của gia đình bạn, nhưng chắc chắn không phải là duy nhất trên thế giới này. Vì vậy, chúng ta phải học cách tôn trọng sinh mệnh, học cách khoan dung, học cách kính sợ!

Lời dạy dỗ nghiêm túc trong đêm mất điện

Phòng ngủ của cha con tôi ở trên tầng ba, cha ngủ trong phòng lớn, còn tôi ngủ phòng bên cạnh. Thông thường, chúng tôi đi ngủ lúc chín giờ tối. Lúc còn nhỏ tôi rất sợ bóng tối, nên thường bật đèn khi đi ngủ. Thói quen này vẫn còn cho đến tận ngày nay.

Một đêm nọ, đột nhiên mất điện, cả căn nhà bỗng chốc chìm trong bóng tối. Tôi lập tức tung chăn, nhảy ra khỏi giường, chạy chân trần đến thẳng giường của cha để chờ có điện trở lại. Sau khi có điện, tôi trở lại phòng để đi giày, cha đã cho tôi lời căn dặn mà suốt đời tôi không thể nào quên, và bây giờ tôi cũng dạy dỗ các con của mình như vậy.

Cha nhìn tôi với ánh mắt nghiêm nghị, rồi chậm rãi bảo rằng: “Trong đêm tối, con không nên mở một cánh cửa mà con không hề quen thuộc, bởi biết đâu, bên trong là hiện trường một vụ án mạng thì sao?” Ông nói thêm: “Khi gặp khó khăn, con có thể đứng yên một chỗ, chứ đừng nghĩ rằng mình thông minh và mở toang cửa phòng của ai đó, đừng tùy tiện xông vào phòng người khác, cho dù nơi đó đang sáng đèn.” Tôi tò mò hỏi cha: “Tại sao ạ?” Ông đáp: “Bởi vì con không thể biết được trong phòng có thứ gì. Bất cứ điều gì chúng ta chưa biết đều ẩn chứa rủi ro. Con không thể biết được bên trong liệu có án mạng hay không, liệu có ai đó định hãm hại con hay không, và chỉ cần con chạm tay vào cửa là trên nắm đấm cửa sẽ lưu lại dấu vân tay của con. Sara này, hôm nay con nhảy lên giường cha, chạy vào phòng của cha, ở đây không nguy hiểm. Nhưng con phải nhớ rằng, cuộc sống trong tương lai rất có thể sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.”

Khi lớn lên, tôi dần hiểu được ý nghĩa trong câu nói ấy của cha. Vì vậy, trong cuộc đời mình, tôi không bao giờ tự ý bước vào một căn phòng không quen thuộc, chứ đừng nói đến những hành động như tự tay mở cửa, thò đầu vào ngó nghiêng, v.v… Sở dĩ tôi chưa từng vô duyên vô cớ bị cuốn vào những chuyện thị phi bởi từ rất sớm cha đã giúp tôi hiểu được rằng: những người không suy tính trước sau, không có ý thức về rủi ro, chính là đối tượng dễ bị hãm hại nhất.

Tại sao tôi lại ấn tượng sâu sắc đến vậy với những câu nói kia của cha? Đó là bởi trong đêm hôm đó, ông đã khiến tôi cảm nhận được một sự ấm áp hiếm hoi trong khía cạnh giáo dục con cái của người Do Thái. Cha hiếm khi ôm tôi vào lòng, nhưng khoảnh khắc vòng tay ông siết chặt, đôi mắt toát lên vẻ nghiêm nghị… đã khiến tôi suốt đời không quên.

Người cha già dạy bảo cô con gái nhỏ:
Triết lý an toàn cho cuộc sống và khi lựa chọn bạn đời

Ông cũng nói với tôi một câu mà lúc đó tôi chưa đủ khả năng lĩnh hội: “Mọi chuyện đều có thể xảy ra, cho dù đó là điều tốt hay điều xấu. Vì vậy, dù xảy ra bất cứ chuyện gì, Don’t be true, be clever.” Tôi xin giải thích thêm, câu nói đó mang nghĩa là: Chớ nên hoàn toàn trung thực, bởi đôi khi nói sự thật không thể giúp ích cho đối phương và chính bạn. Thay vào đó, hãy làm những việc thông thái và nói những lời thông minh.

Cách dạy của cha rất độc đáo. Chẳng hạn, thường các bậc phụ huynh sẽ dặn con không được chạm vào ổ điện, sợ chúng bị giật, nhưng chủ yếu họ toàn giảng giải lý thuyết. Nhưng cha chưa từng giảng giải lý thuyết mà luôn thực nghiệm cho tôi xem. Đầu tiên, cha tháo công tắc ra và dùng bút điện chạm vào. Đèn trong phòng lập tức sáng lên; tiếp đến, ông dùng một sợi dây điện khác chạm vào vị trí đó, và căn phòng tối đen ngay lập tức, khiến tôi giật mình hoảng hốt. Sau đó, ông cầm chiếc đèn pin đã được chuẩn bị sẵn trong phòng, đến chỗ áp-tô-mát và cắm cầu chì (cũng được chuẩn bị trước) vào đó, cả căn phòng lại sáng trưng. Cha chẳng cần nói quá nhiều mà vẫn khiến tôi giật mình hoảng hốt, và kể từ đó tôi không bao giờ chạm vào những thứ nguy hiểm.

Thời điểm đó, có lẽ người cha già của tôi đã linh cảm mình không còn nhiều thời gian nữa nên ngay từ rất sớm, ông đã thường xuyên chỉ bảo cho tôi biết rằng khi lớn lên, tôi cần trở thành một người phụ nữ như thế nào. Ông nói với tôi: “Đường đời của con vẫn còn rất dài. Đừng bao giờ quên rằng con sẽ trở thành một cô gái rất xinh đẹp, con sẽ có cơ hội gặp gỡ rất nhiều chàng trai. Hãy nhớ: khi đến tuổi cập kê, nếu được người khác làm mối cho một chàng trai nào đó, dù không thích anh ta đến mấy, con cũng không được để đối phương nảy sinh ác cảm với mình. Cần phải biết lịch sự từ chối. Dù đó là do người khác giới thiệu hay con tự mình quen biết, con đều phải mỉm cười tươi tắn mỗi khi gặp gỡ. Con có thể quyết định lần sau không gặp nữa, có thể viện ra 100 cái cớ để từ chối, nhưng từ giây phút đầu tiên cho đến khi chào tạm biệt, con phải giữ trên môi nụ cười, giữ sự tôn trọng trọn vẹn đối với họ. Cho dù trong lòng con rất không thích anh ta, cũng không được tùy tiện tỏ thái độ.”

Cha còn dặn rằng: “Đừng để lại ấn tượng xấu với người khác. Khi đối nhân xử thế nhất định phải lịch sự, vui vẻ, cởi mở. Sự giỏi giang và tài cán thì không phải ai cũng có, nhưng sự cởi mở và lịch sự thì con hoàn toàn có thể làm được.” Cha quả thực đã “lợi hại” như thế: ngay khi tôi còn nhỏ, ông đã dạy rất nhiều phép tắc chuẩn mực của phụ nữ. Ông dạy tôi phải biết giữ phép lịch sự, phải đúng mực khi từ chối ai đó. Khi yêu đương, ngay cả việc trò chuyện với nhau cũng phải biết giữ ý tứ, bởi nếu tranh cãi đến mức tuôn ra những lời nhục mạ với đàn ông thì rất dễ dẫn đến tai họa. Đọc những bài viết về thực trạng xã hội hiện nay, có không ít trường hợp đàn ông ra tay sát hại người yêu sau khi chuyện yêu đương không thành. Bạn thấy đấy, ngay từ tấm bé, tôi đã được người cha già của mình chỉ dạy tỉ mỉ cách từ chối sự theo đuổi của các chàng trai.

“Sara, sau này, khi lựa chọn người yêu hoặc bạn đời, nhất định con không được đánh giá anh ta qua điều kiện kinh tế, mà chỉ cần để tâm xem người đó có thực sự quan tâm đến mình hay không, có biết con cần gì hay không. Chỉ những người thực sự nắm rõ nhu cầu của con mới thực sự yêu thương con! Ví như một người biết con thích ăn trứng gà, anh ta thấy trong tủ lạnh không còn trứng gà nữa, biết rằng con rất bận nên trong lúc con vẫn chưa biết trứng gà đã hết, anh ta đã chủ động đi mua. Đó chính là người thực lòng yêu thương con. Con gái à, con cần tìm được một người vừa quan tâm, vừa tôn trọng con như vậy.”

Hãy luôn ghi nhớ 1% những điều tốt đẹp mà người khác đối xử với mình

Lần nọ, cha nói với tôi: “Đừng tùy tiện oán hận ai đó. Nếu không may gặp phải một người đối xử rất tệ bạc với con, hãy nghĩ thử xem liệu người đó đã từng đối xử tốt với con chưa. Cho dù họ chỉ đối tốt với mình một lần duy nhất, con cũng phải học cách ghi nhớ lần đối xử tốt đó của họ, chứ không nên ghi nhớ 99 lần đối xử tệ kia. Khi chung sống với nhau, có 100 cơ hội để đối xử tốt với con, nếu chỉ có một lần họ đối xử không tốt, con càng không nên ghét bỏ họ. Oán hận người khác chỉ mang lại cho con nhiều nỗi oán hận hơn. Vì tâm trí chúng ta không thể chịu được việc oán hận người khác và bị người khác oán hận, nên ta phải học cách yêu thương, tôn trọng tất cả mọi người. Làm người thì không được tùy tiện, bởi tùy tiện chính là nguồn cơn của bất hạnh.”

Trích đoạn bạn vừa đọc nằm trong cuốn Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương 3, đây là bộ sách viết về phương pháp dạy con của Sara Imas rất nổi tiếng trên thế giới. Sinh ra và lớn lên tại Trung Quốc, Sara Imas không biết người mẹ Trung Quốc của mình là ai, nhưng cô luôn được người bố đã cao tuổi của mình (khi Sara được sinh ra bố cô đã 60 tuổi) nuôi dưỡng trong điều kiện kinh tế đủ đầy; tuy vậy cô không hề được nuông chiều và luôn được cha dạy bảo nhiều bài học làm người quý giá, như thể ông biết rằng thời gian của mình bên con gái trên thế gian này sẽ không còn nhiều nữa. Và thực tế trong 12 năm ngắn ngủi bên con, ông đã dạy cho con mình rất nhiều bài học giá trị, khiến bà không thể nào quên và hưởng lợi vô tận từ đó. Tập 3 trong bộ sách này chính là kể lại những bài học quý báu mà tác giả được người cha răn dạy ấy.

VA sưu tầm.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top