Tôi 30 tuổi, chồng 38, kết hôn được 5 năm và có một bé gái 4 tuổi.
Chúng tôi đều là nhân viên văn phòng, thu nhập trung bình nhưng không quá chật vật về kinh tế. Chồng tôi tốt bụng, lương thiện, chung thủy, lo làm ăn, không có tệ nạn, yêu thương vợ con nhưng tính rất cộc và khô khan. Tôi được đánh giá là hiền lành, chung thủy, rất yêu thương chồng con nhưng tính còn trẻ con, hơi nhõng nhẽo với chồng và rất thích sống kiểu luôn thể hiện tình cảm.
Trong cuộc sống, người thì thích tình cảm, người lại khô khan nên hay xảy ra mâu thuẫn. Chẳng hạn, tôi rất muốn được chồng tặng quà vào những ngày lễ, không cần quà to tát, chỉ cần một cành hoa tôi cũng rất vui, nhưng chồng không vậy. Tâm sự thì anh nói lúc nào thích là tặng, cần gì lễ. Một khi đã tâm sự, tôi cứ mong chờ lần sau sẽ khác nhưng vẫn vậy nên thấy tủi thân. Rồi việc tôi muốn vợ chồng ôm nhau nói chuyện trước khi ngủ, nhưng con gái nằm giữa ba mẹ nên anh ngủ trước luôn cùng con, nói vài lần mà anh vẫn vậy. Mỗi lần tôi nói muốn được thế này thế kia là cãi nhau. Anh nói nếu muốn vui, hãy tự làm, đừng yêu cầu người khác. Những ngày sau đó anh không nói chuyện, không ăn chung và hay nói ly thân hoặc ly hôn.
Trong những lần mâu thuẫn, tôi luôn làm hòa trước vì không chịu được kiểu bí bách, im lặng khi cãi nhau. Nhưng mỗi khi như vậy, anh lại nói những lời rất khó nghe như đây không phải trò đùa và đừng làm mấy trò hề như vậy. Nhiều lúc tôi nghĩ không biết mình có quá ích kỷ, đòi hỏi như vậy có quá đáng không? Tôi không nên góp ý cho chồng nữa đúng không? Mỗi lần cãi nhau như vậy, phải chăng mình tôi là người có lỗi? Mong chuyên gia và mọi người tư vấn cho tôi. Xin cảm ơn.
Nga
Chuyên gia tư vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Nga thân mến,
5 năm chung sống chắc chắn đã giúp bạn và chồng hiểu nhau nhiều hơn về những khác biệt cá nhân mà khi yêu cả hai chưa có cơ hội được biết. Những khác biệt này luôn tồn tại và cần cả hai nhận ra nhằm dung hòa chúng. Nhưng đồng thời, cũng chính những khác biệt này khiến cuộc sống hôn nhân lúc nào cũng phong phú, đa sắc màu mà không nhàm chán. Giờ đây, hai bạn đã có cô con gái nhỏ, là minh chứng cho việc cả hai cùng nhau trải qua khoảng thời gian dài nhiều đổi thay và cùng giải quyết nhiều mâu thuẫn. Đó là dấu hiệu cho thấy hai bạn có thể giải quyết những khúc mắc giữa vợ chồng.
Yếu tố khiến tôi đưa ra nhận định như trên chính là từ bức thư của bạn. Vào đầu bức thư, bạn chia sẻ chồng bạn là người chung thủy, yêu vợ thương con, tốt bụng và chịu khó làm ăn. Còn bạn là người một lòng vì chồng con. Có thể dễ dàng nhận ra cả hai đều rất yêu thương nhau, chỉ khác nhau ở cách thể hiện.
Bạn rất chủ động thể hiện những mong muốn của mình cho ông xã, nhưng anh ấy chưa quen với điều này. Có thể với chồng bạn, việc thể hiện tình cảm bị coi là "trẻ con" và không phù hợp. Chính anh ấy còn chưa thực sự thoải mái với việc thể hiện tình cảm, nên khi bạn có chút "nhõng nhẽo đáng yêu", anh ấy sẽ không biết làm gì cho phải. Khi mâu thuẫn xảy ra, chồng bạn dễ có những lời nói mang tính bộc phát nhiều hơn là cố tình. Vì vậy, thay vì đắn đo xem có nên tiếp tục đòi hỏi, yêu cầu ở chồng không, bạn có thể giúp chồng thể hiện được những mong muốn của anh ấy giống bạn, thông qua 2 phương pháp: hiểu và làm mẫu.
- Hiểu là khi bạn tìm được lời giải đáp cho câu hỏi: "Nhu cầu thể hiện tình cảm của chồng bạn thế nào?". Ai cũng có nhu cầu được cho đi, nhận lại tình cảm và chồng bạn cũng không ngoại lệ. Dường như anh có những cách thể hiện "khô khan" rất riêng nhưng vẫn đủ để bạn cảm nhận được chồng là người chung thủy và hết lòng vì vợ con. Với chồng bạn, việc trao đi yêu thương có thể chỉ là chủ động chăm con, cho con đi ngủ sớm, là chăm chỉ làm việc để lo cho gia đình được no đủ. Vì thế, những món quà vào các ngày lễ với anh ấy chỉ là những thứ bên ngoài, đi kèm, không quan trọng bằng tâm ý và hành động thực tế hàng ngày. Hiểu thói quen này của chồng sẽ giúp bạn nhận ra: việc ngay lập tức trở thành một người hay nói những lời yêu thương với vợ, hay mua những món quà lãng mạn vào ngày lễ với anh ấy là việc khó thực hiện và cần thời gian để thích nghi. Do đó, kỳ vọng trước mắt nên giảm xuống còn vài ngày lễ quan trọng như kỷ niệm ngày cưới hoặc sinh nhật, những ngày khác có thể đề xuất sau cho phù hợp.
- Bên cạnh việc chủ động thể hiện những mong muốn của mình, bạn cần giúp chồng bộc lộ nhu cầu tương tự như vợ. Làm mẫu là cách để anh ấy làm quen dần. Làm mẫu ở đây không chỉ dừng lại ở việc bày tỏ mong muốn của bản thân, đó còn là những hành động bày tỏ tình cảm với chồng một cách nhẹ nhàng khiến anh quen dần. Một tấm thiệp ghi những lời yêu thương của bạn để trong túi xách đi làm của chồng là một ví dụ, hoặc món quà nhỏ nhưng thể hiện sự chăm chút, tinh tế với ông xã: chiếc tai nghe mới thay cho cái đã cũ và bắt đầu hỏng của chồng,.. Đây là cách tốt nhất để bạn vừa chủ động trong tình cảm, vừa giúp chồng đón nhận một cách thoải mái và chấp nhận cách thức mới trong việc thể hiện tình yêu thương với vợ con.
Điều cuối cùng tôi muốn gửi gắm đến bạn: không một ai có thể thỏa mãn hết mọi nhu cầu của mình, nhất là nhu cầu về cảm xúc. Trong đời sống vợ chồng, việc trông đợi chồng đáp ứng yêu cầu về tình cảm là điều hiển nhiên, nhưng sẽ là bất khả thi nếu một trong hai người trông đợi rằng đối phương sẽ thỏa mãn tất cả nhu cầu cá nhân. Khả năng tự đáp ứng nhu cầu và chịu trách nhiệm với cảm xúc của chính mình quan trọng hơn cả. Vì trong một mối quan hệ, khi người này phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc của người kia sẽ luôn cảm thấy áp lực nặng nề. Nếu mỗi người đều tự chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình, mối quan hệ mới khăng khít, gắn bó và bền chặt. Vì vậy, mong hai bạn sẽ ngày càng hiểu những khác biệt của nhau, thấu cho nỗi lòng của cả hai bên. Chỉ như vậy tình thương mới bền vững và không bị lung lay bởi những yếu tố vật chất hay những mâu thuẫn thông thường.
Độc giả gọi vào số để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.
Post a Comment