Khi đọc bài: "Không muốn ba mẹ để em trai đứng tên sổ đỏ" tôi có phần đồng cảm và thấy như chính mình trong đó.

Tôi là chị lớn trong nhà, dưới còn em gái và cậu út. Từ nhỏ ba má đưa mấy chị em về quê ngoại sống vì quê nội xa xôi hẻo lánh, chị em tôi sẽ không có điều kiện đến trường. Ngoại tôi chỉ biết thương con trai, còn con gái thì ngoại gả đi rồi coi như xong. Bởi vậy khi về quê ngoại ba tôi đã chịu rất nhiều buồn tủi cho phận ở rể, má cũng chẳng vui gì, có điều vì ước mơ cho các con được đến trường nên ba má cố chịu.

Ba tôi hiền lành, chịu khó đi làm nhưng cái nghèo vẫn mãi bám lấy gia đình tôi. Rồi khi tôi 20 tuổi, ba như thành con người khác, ông thay đổi, đến tôi cũng không nhận ra. Ông bắt đầu tập uống rượu, trong những cơn say ông dằn vặt má về chuyện ngoại ngày xưa đối xử tệ với gia đình tôi. Mỗi lần say ông lại nằm dưới mái hiên nhà kể chuyện ngoại tôi, mặc cho mẹ và chị em tôi nói ông vào nhà ngủ.

Năm 25 tuổi, tôi quyết định đi xuất khẩu lao động sang Nhật theo diện 3 năm, như để trốn chạy khỏi căn nhà từ lâu không còn tiếng cười, với lại cũng muốn thoát khỏi cái nghèo đang bủa vây. Một tháng sau khi sang, má gọi nói rằng ở bên đó cố gắng làm việc, nhớ nhà thì gọi điện về hỏi thăm chứ đi về tốn tiền. Đây cũng là nguyên nhân trong gần 5 năm trời ở nơi đất khách tôi không về thăm nhà lần nào (tôi được gia hạn thêm). Tôi sang được 2 năm thì cậu út và em gái đều có gia đình. Nhà tôi nằm cạnh mé sông, bởi vậy khi được nhà nước hỗ trợ vào khu tái định cư thì ba nói muốn mua một ngôi nhà gần chợ để sống. Vì thế tôi gửi tiền về, thêm tiền ở nhà nữa cũng mua được căn nhà cách chợ khoảng mấy cây số.

Thương ba hơn 20 năm ở rể nên tôi cũng muốn ông đứng tên căn nhà, coi như tặng ba niềm vui của tuổi già. Tôi nói sau này vợ chồng cậu út lo cho ba má thì ba má cứ di chúc lại cho em nó (trước đó tôi có gọi điện cho cậu út và em gái, ba chị em nói chuyện. Em gái đồng ý cho ba đứng tên, còn cậu út nói trước sau gì cũng cho em, chuyển tới chuyển lui chi cho mất công, giờ để em đứng tên luôn, dù sao ba má sau này cũng em lo, tôi và em gái không chịu. Những tưởng có được căn nhà do mình làm chủ thì ba sẽ bỏ rượu nhưng ông còn uống nhiều hơn, nói cũng nhiều hơn.

Có nhà rồi ba lại gọi tôi gửi tiền về mua nội thất, sửa lại phần sân trước nhà. Tôi bảo vẫn còn nợ tiền khi gửi về mua nhà cho ba, giờ mấy cái đó để cậu út mua đi, dù sao nhà đó cũng cho vợ chồng em. Khi mua bảo hiểm y tế cho cả nhà, ba lại gọi hỏi tôi có gửi tiền về phụ mua không, rồi tiền điện nhiều quá ba cũng kêu. Tôi mới buột miệng nói: "Tiền điện nhiều là do nhà cậu út gắn máy lạnh cho vợ chồng con cái, nếu em nó gắn cho ba má thì con sẽ trả. Nếu em cảm thấy lo không nổi thì kêu vợ em đi làm đi, ở nhà suốt ngày vô phòng mở máy lạnh thì tiền nào chịu nổi".

Một hôm ba say, gọi điện bảo tôi khác ngày xưa nhiều quá, giờ tính toán cả với em ruột. Tôi buồn và khóc nhiều khi ba nói vậy. Hai tuần liền tôi không gọi điện về cho ba má. Em gái bảo tôi đừng buồn khi ba nói trong tình trạng say, em không biết bênh ai nhưng cái tôi của tôi cao quá, thù hằn đánh mất lương tri. Tôi bảo không thù hằn, chỉ là tâm trạng không tốt nên không gọi về mà thôi.

Tôi đơn độc nơi xứ người, bệnh tật, công việc không thuận lợi, mượn tiền bên đó mua nhà cho ba mà chẳng ai tin. Ai cũng nghĩ bên đó tôi làm nhiều tiền, ăn sung mặc sướng, từ đó thái độ của mọi người khác lắm làm tôi buồn, tủi thân nhiều.
Hết hợp đồng tôi về Sài Gòn làm phiên dịch, ban đêm dạy kèm tiếng cho các bạn.

Sau 5 năm tôi cũng mua được hai miếng đất ở quê, làm sổ tiết kiệm cho ba má nhưng không cho bố mẹ biết. Tôi biết chắc rằng nếu bố mẹ biết sẽ cho con trai út hết, tôi sẽ đưa vào thời gian thích hợp. Chuyện đã qua nhiều năm rồi nhưng tôi cũng không biết động lực nào giúp mình vượt qua thời gian khủng hoảng đó. Khi đọc xong tâm sự của bạn My, những ký ức ngày xưa lại ùa về. Tôi thấy hình như ai làm chị hai cũng đều có gánh nặng phải lo. Tôi luôn tâm niệm rằng cứ sống lương thiện, chân thành thì trời xanh ắt sẽ an bài.

Phượng

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top