Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc điều tra những sai phạm dẫn đến thất thoát lớn tài sản Nhà nước tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) thời ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Bộ Công an đã giao hai đơn vị vào cuộc, đang bắt đầu đọc hồ sơ, tài liệu.
Đây là thông tin được Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết bên hành lang kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá 14, sáng 20/7.
“Chúng tôi đang tiếp cận hồ sơ vụ việc. Lãnh đạo Bộ Công an đã giao cho hai đơn vị là Tổng cục An ninh và Tổng cục Cảnh sát nghiên cứu để triển khai chỉ đạo của Tổng bí thư”, ông Vương nói.
“Chưa rõ anh em đã mời bao nhiêu người”
Như ông nói, các điều tra viên đã tiếp cận, bắt đầu đọc hồ sơ. Vậy các tài liệu, hồ sơ thu thập được về vụ việc này là từ nguồn nào?
Anh em giờ mới đang sang làm. Hồ sơ thì xin nói là không chỉ vài trang, phải rất dày vì sự việc đã diễn ra nhiều năm, cùng với đó là rất nhiều các dự án, các quyết định này khác.
PVC là một tổng công ty lớn, nên họ có nhiều dự án, nhiều nhà máy, hoạt động đầu tư rất rộng, nhưng những cái hoạt động đó hiệu quả thế nào, thì phải làm việc mới rõ được.
Liên quan đến hoạt động của PVC, có phải là trước đây, công an cũng đã vào cuộc rồi và đã có một số đối tượng bị “dính án”, phải xử lý, kỷ luật, thưa ông?
Tôi nhớ có một vụ từ năm 2012, nhưng khi đó tôi chưa phụ trách cơ quan điều tra nên chưa nắm được kỹ. Tôi nhớ là Bộ có khởi tố điều tra một vụ, còn giờ mới tiếp tục điều tra làm rõ.
Như thế là vụ án liên quan đến PVC đã diễn ra từ năm 2012 nhưng phần quan trọng là việc làm thất thoát gần 3.300 tỷ đồng tại doanh nghiệp này thì lại chỉ đến thời điểm này, khi có phản ánh của công luận, Tổng bí thư chỉ đạo, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra với cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh (đã chuyển qua nhiều vị trí công tác khác) mới được nêu ra. Liệu có phải khi đó, cơ quan điều tra đã bỏ lọt nhiều đầu mối không?
Năm 2012 là vụ án khác. Tôi nhớ đó là việc xảy ra tại một công ty nhỏ nằm trong PVC. Vụ đó đã được khởi tố và được điều tra rồi.
Có thể các sai phạm liên quan đến công ty con, nhưng có thể liên quan đến chỉ đạo, điều hành của công ty mẹ, cho nên cần có thời gian phân tích, điều tra.
Hiện nay cơ quan công an đã mời những người có liên quan lên làm việc chưa? Dự kiến thời điểm nào có thể kết thúc cuộc điều tra này, thưa ông?
Tôi cũng chưa rõ anh em đã mời bao nhiêu người, mời cụ thể những ai. Công tác điều tra liên quan đến nhiều bộ luật, luật, quy định rất cụ thể, và cái kết của hoạt động điều tra là phải có chứng cứ chứng minh tội phạm. Suốt quá trình điều tra, cán bộ điều tra phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản nhất, đó là nguyên tắc suy đoán vô tội.
Thời hạn điều tra thì phải theo các quy định của luật, như là thời hạn về việc giải quyết tin báo tội phạm, thời hạn điều tra… Tất nhiên chúng tôi phải cố gắng để làm sớm, bởi đây là vấn đề Đảng đã chỉ đạo, Nhà nước quan tâm, nhân dân quan tâm.
Luật có quy định rất rõ thời hiệu, thời gian, ví dụ tin báo tố giác tội phạm thì không quá hai tháng (luật mới là ba tháng), còn điều tra thì với các vụ án nghiêm trọng là khoảng bốn tháng, riêng với các vụ án kinh tế thì có thể còn phải kéo dài hơn. Việc chứng minh tội phạm kinh tế rất phức tạp, phải có quá trình xem xét các tài liệu, đối chiếu, nhất là các vấn đề có liên quan đến chứng cứ.
Một vụ án giết người thì hiện trường nó có, dấu vết để lại nó có, tội phạm nhận, thì xác minh dễ hơn. Trong khi án kinh tế khó khăn hơn.
“Không nể nang gì cả”
Chỉ đạo của Tổng bí thư là điều tra làm rõ sai phạm dẫn đến việc thất thoát 3.300 tỷ đồng tại PVC dù là vào thời ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch thì có thể hiểu, việc xem xét trách nhiệm sẽ không chỉ “khuôn” lại ở phần của cá nhân ông Thanh?
Theo kết quả điều tra, ai vi phạm thì người đó phải chịu trách nhiệm, không chỉ là ông Trịnh Xuân Thanh mà những người có trách nhiệm về thiệt hại hoặc vi phạm pháp luật tại đây đều phải xử lý hết.
Tổng bí thư đã nhấn mạnh yêu cầu làm nhanh, không nể nang bất cứ vấn đề gì, quan hệ, cá nhân nào. Việc này được lãnh đạo Bộ quán triệt đến cơ quan làm án thế nào, thưa Thứ trưởng?
Chúng tôi không nể nang gì cả. Nói vậy nhưng tất nhiên sức ép trong quá trình điều tra là có, khó khăn là có nhưng đã là công tác điều tra thì phải tuân thủ pháp luật. Lãnh đạo Bộ đã có chỉ đạo, quán triệt, sẽ có sử dụng bộ máy của kiểm tra, thanh tra để đảm bảo việc này.
Chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng quy định của ngành. Thông tư quy định của Bộ thế nào thì phải thực hiện đúng như thế, làm thế nào phải nghiêm túc, đạt được yêu cầu công khai minh bạch.
Vậy áp lực của cơ quan điều tra là gì?
Ví dụ án hình sự, ma túy thì tính nguy hiểm rất cao, bởi phải đối mặt với tội phạm nguy hiểm. Nhưng đối với tội phạm kinh tế, áp lực là phải đối mặt với những người thường có học hành bài bản, nắm bắt các nguyên tắc kinh tế, hiểu về pháp luật, cho nên những đối phó của người ta là hết sức kín đáo, tinh vi.
Để tìm ra tài liệu, chứng cứ thì phải phân tích, đánh giá rất kỹ.
Áp lực về quan hệ thì sao, thưa Thứ trưởng?
Tất nhiên, áp lực về quan hệ cũng có. Nhưng đối với những người làm điều tra thì nguyên tắc là phải công khai, minh bạch, nghiêm túc, kể cả áp lực nào cũng vậy thôi, người làm điều tra phải tuân theo pháp luật.
Bản thân tôi cũng vậy, lúc nào cũng phải lấy chữ tuân thủ pháp luật làm đầu. Như vậy thì mình mới không làm oan người ta, và cũng không bỏ lọt tội phạm. Và như vậy thì mình mới thanh thản được, chứ làm không đúng, kể cả là vấn đề bỏ lọt tội phạm thì day dứt lắm.
Post a Comment