Là quyền thần điều hành triều chính, để bảo vệ mình Tào Tháo đã cả gan, lỗ mãng giết cả phi tử đang mang thai của hoàng thượng.
Tào Tháo có công lớn dẹp loạn Khăn Vàng và bè lũ Đổng Trác, đón Hán Hiến Đế cùng triều đình đang chạy loạn về Hứa Xương, xây dựng lại nơi này cho hoàng thượng ở. Cũng chính từ đây sự nghiệp chính trị của Tào Tháo bước sang bước ngoặt mới. Trên thực tế Tào Tháo mới là người cầm quyền triều chính. Ảnh minh họa chân dung Tào Tháo.
Đương thời, Đổng Thừa là tướng quân trong đội quân của Đổng Trác và trở thành con rể của Đổng Trác. Bản thân Đổng Thừa cũng là hoàng thân cốt thích khi ông chính là cháu trai của Đổng Thái hậu, bà nội của Hán Hiến Đế.
Con gái của Đổng Thừa được gả cho Hán Hiến Đế và được sắc phong là Đổng quý nhân. Vì bất bình với sự chuyên quyền, lộng hành của Tào Tháo nên khi thấy Tào Tháo bắt nạt và o ép Hán Hiến Đế thái quá, Đổng Thừa đã đứng về phe Hán Hiến Đế cùng tìm cách diệt Tào Tháo. Việc làm này đồng nghĩa với việc Tào Tháo và Đổng Thừa trở thành kẻ thù không đội trời chung.
Sau đó Đổng Thừa theo Hán Hiến Đế và Tào Tháo về Hứa Xương. Tào Tháo tự xưng là Hành xa kỵ tướng quân, điều hành triều chính.
Năm 199, Tào Tháo trao lại chức Xa kỵ tướng quân cho Đổng Thừa. Thời gian đó Tào Tháo vừa đánh bại Viên Thuật và chuẩn bị giao tranh với Viên Thiệu.
Hán Hiến Đế bị Tào Tháo chèn ép rất bất bình. Đổng Thừa cũng không bằng lòng về việc Tào Tháo chuyên quyền, bèn đứng về phe Hiến Đế. Hán Hiến Đế sợ lộ chuyện bèn viết mật chiếu với nội dung lệnh cho Đổng Thừa giết Tào Tháo và giấu vào trong đai áo, đưa áo cho ông mặc ra khỏi cung.
Đổng Thừa bí mật bàn bạc việc này với Lưu Bị và một số quan lại trong triều. Ít lâu sau Lưu Bị xin đi đánh chặn đường Viên Thuật định chạy lên Hà Bắc theo Viên Thiệu nên rời khỏi Hứa Xương.
Tháng giêng năm 200, khi kế hoạch giết Tào Tháo của Đổng Thừa và Hán Hiến Đế bị bại lộ, Tào Tháo nổi giận đã bắt giữ và giết Đổng Thừa và đồng đảng cùng toàn bộ gia quyến.
Không dừng lại ở đó, đã diệt cỏ phải nhổ tận gốc, đã giết Đổng Thừa thì không thể để huyết thống cốt nhục Đổng gia ở bên cạnh hoàng đế được, chính vì thế, sau khi Đổng Thừa chết, Tào Tháo đã ra lệnh giết nốt Đổng quý nhân mặc cho quý nhân đang mang long thai và Hán Hiến Đế cùng Phục hoàng hậu ra mặt xin tha cho nàng tội chết.
Trước giờ Tào Tháo đã từng bãi miễn Dương Bưu, giết chết Triệu Ngạn. Đó đều là các trọng thần của hoàng thượng, nhưng dù sao cũng chưa vượt quá quyền hạn của một quyền thần như Tào Tháo nên đối với ông ta Hán Hiến Đế vẫn giữ thái độ tôn trọng và khách khí.
Nhưng một trọng thần mà dám ngang nhiên dẫn binh xông vào cung giết cả phi tử của hoàng thượng thì Tào Tháo đã chính thức đẩy mối quan hệ quân- thần vào thế xung đột.
Việc Tào Tháo giết Đổng Thừa và Đổng quý phi là một mũi tên trúng hai mục đích. Phục hoàng hậu và Đổng quý nhân vốn là hai gái lấy chung một chồng nên đương nhiên sẽ khó mà tránh được ghen ghét đố kỵ. Phục gia và Đổng gia đều là hoàng thân cốt thích nên đương nhiên sẽ cùng chung mục đích là tranh quyền đoạt lợi.
Nhưng chính vì Tào Tháo nắm giữ triều chính nên đã khiến Phục gia và Đổng gia tự dưng trở thành chiến hữu của nhau trong cuộc chiến chống lại Tào Tháo. Đây cũng chính là lý do Phục hoàng hậu ra mặt xin tha chết cho Đổng quý nhân.
Đổng quý phi chết, Phục hoàng hậu theo lẽ thông thường phải thở phào nhẹ nhõm khi đã loại bỏ được đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhưng ngược lại hoàng hậu luôn trong tâm trang lo lắng bất an. Hôm nay Tào Tháo có thể giết Đổng quý phi thì ngày mai cũng có thể giết hoàng hậu.
Chính vì thế, việc tiêu diệt Đổng gia vừa giúp Tào Tháo nhổ được cái gai trong mắt, dẹp được hậu họa sau này vừa chặt đi mắt xích trong liên minh Phục - Đổng, khiến thế lực của cha con Phục Hoàn, Phục hoàng hậu cũng phải dè chừng, kinh sợ, Hán Hiến Đế cũng mất đi chỗ dựa.
Post a Comment