Tôi 28 tuổi, làm về IT, còn bạn gái tôi 26, là nhân viên ngân hàng. Sau 5 năm yêu nhau, cô ấy đồng ý kết hôn, nhưng muốn tôi thuyết phục bố mẹ hai bên không tổ chức cưới xin rình rang. Tôi là con trai cả, gia đình tạm gọi là có điều kiện nên cha mẹ muốn tổ chức lớn, mời nhiều người. Còn bạn gái tôi là con út, chị gái và anh trai cô ấy đều đã có gia đình, bố mẹ là cán bộ nhà nước nghỉ hưu, gia cảnh bình thường. Tôi và cô ấy có thu nhập ổn định, cộng vào được hơn 30 triệu/tháng, tiền tiết kiệm của cả hai đứa từ khi yêu nhau đến nay cũng gần 600 triệu đồng. Chúng tôi hoàn toàn đủ khả năng tổ chức cưới mà không cần vay mượn.
Khi bàn chuyện cưới xin, cô ấy có những đòi hỏi rất kì quặc. Chẳng hạn như: không thuê váy cưới chụp album theo dịch vụ ở ảnh viện, chỉ cần lấy quần áo đẹp đẹp có sẵn ở nhà, nhờ người bạn biết chụp hình, rồi rủ nhau ra chỗ nào phong cảnh đẹp, đi chơi một buổi kết hợp chụp hình luôn; tiệc cưới chỉ cần mời họ hàng, bạn bè và một số đồng nghiệp thân thiết chứ không được tổ chức rình rang, số khách mời cả nhà trai lẫn nhà gái không quá 50 người; phải tổ chức sao cho đơn giản nhất, bỏ hết các thứ lễ lạt, trầu cau, nghi thức, thậm chí không cần xem ngày tháng...
Bình thường tôi thấy cô ấy sống giản dị, tiết kiệm nhưng không đến nỗi keo kiệt (tôi nghĩ không phải vì hà tiện). Bố mẹ cô ấy phản đối tổ chức đám cưới như vậy, còn bố mẹ tôi thì chắc chắn không bằng lòng, mặc dù tôi chưa trình bày. Thậm chí có lúc tôi còn đặt giả thiết, phải chăng cô ấy muốn che giấu việc kết hôn với tôi. Nhưng cô ấy chẳng có lý do gì để làm thế, vì cô ấy không xinh đẹp, nổi bật mà được đàn ông săn đón. Tôi từng lén xem điện thoại của cô ấy, cũng không có gì. Quen biết 6 năm, cô ấy là người chủ động với tôi trước, nhưng nhìn chung ngoài xã hội cô ấy là người lầm lì, không thích giao thiệp, ghét những hành động tình cảm ở chỗ đông người. Có lần tôi trót dại, muốn làm người yêu bất ngờ nên đã ghé cơ quan cô ấy tặng một bó hoa lớn vào dịp sinh nhật. Ai ngờ lúc đó cô ấy tươi cười nhận nhưng rồi gọi điện mắng tôi xối xả là "sến", "nhảm".
Bây giờ tôi phải thuyết phục cha mẹ hai bên như thế nào để làm đúng ý cô ấy? Hay là tìm cách phân tích, thuyết phục cô ấy tổ chức đám cưới như bình thường?
Thành
Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam gợi ý:
Chào Thành,
Đám cưới thường được xem là kết thúc có hậu cho tình yêu. Sau đám cưới, cuộc sống cặp đôi sẽ có một bước ngoặt chuyển sang cuộc sống gia đình mà trong đó cái tôi mỗi cá nhân sẽ phải điều chỉnh để dành cho “cái chúng ta”. Để xây dựng được cái chúng ta, các em cần có sự hiểu biết sâu sắc lẫn nhau, cùng chấp nhận những điểm khuyết thiếu của nhau, và cam kết hướng đến mục tiêu chung của gia đình. Sau khi cưới, chúng ta không chỉ sống cho nhau mà còn sống vì gia đình của nhau nữa.
Qua câu chuyện em chia sẻ, tôi cảm thấy hơi lo lắng vì các em chưa thực sự hiểu nhau hoặc chưa bộc lộ, chấp nhận hay hy sinh cho nhau. Nếu là tôi trong tình huống này, tôi sẽ thấy quyết định cưới của mình thật vội vàng. Trước khi quyết định, tôi sẽ chia sẻ hết những tâm sự này với bạn gái để tìm hiểu xem thực sự đằng sau mong muốn tổ chức đám cưới rất tiết kiệm kia là gì. Tôi sẽ nói rằng "Anh yêu em và luôn muốn đứng về những mong muốn của em. Anh thấy mong muốn tổ chức đám cưới chỉn chu của hai bên nội ngoại cũng là suy nghĩ thông thường của bất cứ ông bố bà mẹ nào. Vì thế anh cần biết những lý do thuyết phục đằng sau để cùng em nói chuyện với hai bên nội ngoại. Nếu em có điều gì khó nói đến mức không thể tiết lộ với anh, anh tin mình có thể đợi đến khi em sẵn sàng. Gia đình chúng ta chỉ thực sự vững chắc khi chúng ta tin tưởng và chia sẻ với nhau những điều thầm kín nhất".
Trong trường hợp cô ấy chia sẻ những lý do và điều này thuyết phục được em, em sẽ chính là người đi thuyết phục với gia đình hai bên và khẳng định mong muốn này là sự đồng thuận của hai đứa. Em cũng phải cam kết giữ bí mật về những lý do chia sẻ, nếu đó là những điều nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến thái độ, cách cử xử của các thành viên khác đối với vợ tương lai. Nếu cô ấy không chia sẻ hoặc lý do đưa ra không thuyết phục, em có thể khẳng định lại mình và hai bên gia đình có thể chờ cho đến khi cô ấy sẵn sàng, hoặc suy nghĩ về những lý do thuyết phục hơn để hai đứa đi nói chuyện với hai bên nội ngoại.
Tóm lại, tình yêu của hai người là tự nguyện nhưng khi quyết định tiến tới hôn nhân, cặp đôi sẽ rất vất vả để duy trì mối quan hệ luôn tươi mới trong hiện tại và cùng hướng đến mục tiêu tương lai. Trong mối quan hệ này, mọi thứ đều phải được thương lượng, phải cân bằng giữa cho - nhận, và cả hai đều phải suy nghĩ về nhu cầu giá trị của người khác cũng quan trọng như nhu cầu giá trị của chính mình.
Muốn được TS. Trần Thành Nam tư vấn, mời bạn gửi tâm sự .
Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)
Post a Comment