Tôi đã ngoài 30 tuổi. Không như bao phụ nữ khác đều muốn sinh ít nhất 2 bé, tôi chỉ muốn sinh một bé.
Có quá nhiều lý do để tôi đưa ra quan điểm này. Thứ nhất, thời gian ở cữ tôi quá áp lực vì bất đồng quan điểm nuôi dạy con với mẹ chồng. Khi cháu khóc hay ốm đau, bà thường xuyên chửi bới tôi vì không biết chăm con. Bà dùng những lời lẽ tục tĩu để nói tôi. Khi tôi không làm theo ý bà, bà nổi giận và dùng những từ ngữ thô tục nhất để nói với tôi khiến tôi bị xúc phạm và tổn thương. Trong thời gian ở cùng bà tôi đã khóc rất nhiều và có lần có suy nghĩ tự tử.
Thứ 2, chồng tôi có một thời gian nghiện ngập cờ bạc và nhà tôi phải đi trả nợ. Mãi đến gần đây chúng tôi mới có chút tiết kiệm. Anh cũng hứa hẹn với tôi là đã cai cờ bạc nhưng trong lòng tôi vẫn còn nhiều nghi ngại. Mong nhận được những chia sẻ từ độc giả và chuyên gia tâm lý để giúp tôi giải tỏa những nỗi niềm này.
Hà
Chuyên gia tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Thân gửi đến Hà,
Là một người mẹ, chắc chắn bạn biết rõ những nỗi vất vả khi mang thai, sinh ra và nuôi dưỡng một đứa trẻ. Với Hà, những trải nghiệm thiếu tích cực với gia đình sau khi sinh con đầu lòng khiến bạn trở nên thận trọng hơn với ý tưởng hoài thai lần hai.
Việc cân nhắc cẩn thận tất cả mọi yếu tố ảnh hưởng trước khi quyết định mang thai cho thấy sự trách nhiệm của bạn không chỉ với đứa bé mà còn với chính cuộc đời của mình. Chắc hẳn bạn luôn hiểu rằng việc sinh con hay không là quyền lựa chọn của mỗi người mẹ, là quyết định của riêng bạn, không ai có thể quyết định thay.
Tuy nhiên để bạn viết một lá thư cần sự tư vấn, chắc hẳn hiện giờ bạn vẫn có nhiều e ngại về quyết định này của mình, đặc biệt là với gia đình chồng.
Hiện tại trong lòng Hà đang có nhiều khúc mắc với mẹ chồng và chồng, bạn lo sợ nếu những khúc mắc này không thể giải quyết thì việc sinh cháu thứ hai sẽ càng gây ra nhiều mâu thuẫn hơn nữa.
Trong gia đình ba người, việc cần thiết hiện tại là bạn có người để hiểu những nỗi niềm của mình và thiết lập được mối liên hệ thân thiết giữa cả hai người, và chồng Hà sẽ là người thích hợp nhất. Chồng bạn sẽ đồng hành cùng bạn trong chặng đường dài nuôi con, xây dựng gia đình, cũng là người mà bạn tìm đến để cùng giải quyết các vấn đề phát sinh sau này trong gia đình, vì vậy anh ấy sẽ thích hợp trở thành người để bạn chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống.
Có thể bây giờ trong lòng bạn vẫn còn nhiều nghi ngờ với chồng, điều này là không thể tránh khỏi và cần nhiều thời gian để lấy lại niềm tin với anh ấy. Để tái xây dựng mối quan hệ tích cực với chồng, một số yếu tố sau cần được Hà lưu tâm:
● Tin tưởng:
Hãy kiên nhẫn, sau những gì bạn đã trải qua, để niềm tin quay trở lại chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian. Đừng làm khó bản thân rằng tại sao bạn chưa thể cảm thấy tin tưởng chồng.
Ở thời điểm này, bạn chỉ cần quyết định rằng mình sẽ cố gắng hết sức để cư xử một cách tin tưởng đã là quá đủ rồi. Tuy nhiên, hãy cho chồng của bạn cơ hội để chứng minh lời hứa của anh ấy đáng tin cậy. Mỗi khi chứng kiến những thay đổi dù là nhỏ nhất của chồng, ví dụ như cả hai bạn giờ đã xây dựng được khoản tiết kiệm mới.
Đây là cách để anh ấy có thêm động lực để không quay lại con đường cũ, bạn cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn phần nào. Cùng nhau, các bạn sẽ xây dựng cho mình một nền tảng niềm tin mới, vững chắc hơn cho mối quan hệ của hai người.
● Giao tiếp:
Hãy chia sẻ thành thật cảm xúc và suy nghĩ của mình về việc sinh thêm con cũng như những vấn đề khác trong cuộc sống và hỏi ý kiến của chồng. Chẳng hạn: "Em cảm thấy chưa sẵn sàng có thêm một thành viên mới, không chỉ về kinh tế mà vì tinh thần của em chưa hoàn toàn hồi phục sau lần sinh con đầu tiên. Anh biết đấy, phụ nữ khi sinh thường gặp nhiều khó khăn về mặt tâm lý và cần nhiều thời gian để vượt qua. Nếu có thêm con, em không đảm bảo được việc sẽ có đủ khả năng chăm sóc tốt cho con. Anh nghĩ sao về điều này?".
Chắc chắn chồng bạn cũng có những suy nghĩ riêng về vấn đề này. Lắng nghe và tôn trọng là cách tốt để cả hai tìm ra phương án cùng thỏa hiệp hay một kế hoạch để đảm bảo được chất lượng cuộc sống của gia đình nếu tiếp tục có thai.
Những cảm xúc buồn bã hay tức giận là điều rất bình thường, lựa chọn chôn chặt cảm xúc của mình vì cho rằng đối phương không thể hiểu sẽ chỉ càng gia tăng khoảng cách giữa hai vợ chồng. Hãy cố gắng bày tỏ cảm xúc của bạn một cách thật lòng và dễ hiểu, chỉ cho chồng bạn cách mà anh ấy có thể khiến bạn cảm thấy khá hơn.
Và cuối cùng, sự ủng hộ của bạn với những nỗ lực của chồng mang ý nghĩa rất quan trọng, nếu chưa quen với việc thể hiện qua lời nói, bạn có thể bắt đầu bằng những lời nhắn nhỏ qua điện thoại, giấy note,... Ví dụ như: "Tháng này mình đã tiết kiệm được từng này tiền rồi này, cám ơn anh vì đã cùng em cố gắng". Đôi khi những điều tuy nhỏ, nhưng lại tác động rất lớn đến hành động và quyết tâm của anh ấy.
Cuối cùng, để đảm bảo rằng những cố gắng của bạn đem lại hiệu quả, bạn nên có sự trợ giúp của một chuyên gia tâm lý, đặc biệt là về mảng gia đình. Đây cũng là cách để bạn được nâng đỡ về mặt tinh thần một cách tốt nhất, vì xét cho cùng những trăn trở của bạn không chỉ nằm ở quyết định sinh thêm con hay không, nó còn là về chính gia đình nhỏ của mình hiện giờ.
Những cố gắng của bạn không chỉ nhằm xây dựng được mối quan hệ tích cực với chồng, đó còn là nỗ lực cải thiện tích cực môi trường sống cho chính bạn và người thân. Đây sẽ là cả một hành trình của sự kiên nhẫn và lòng yêu thương. Chúc bạn sẽ luôn vững vàng trên con đường phía trước và tìm được sự yên bình trong chính ngôi nhà của mình.
Độc giả gọi vào số để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.
Post a Comment