ĐCSTQ đang lợi dụng tình thế khó khăn của các nước châu Âu trong việc đối phó với đại dịch Viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) để thúc đẩy các ý đồ chính trị phi đạo đức?

Trong một bản tin mới đây trên Fox News, người dẫn chương trình cho biết: “Tại Pháp, chúng tôi vừa mới được thông báo ngày hôm qua rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình hỏi về việc cung cấp 1 tỷ khẩu trang, và ông Tập nói ‘chúng tôi sẽ gửi số khẩu trang đó nếu Pháp triển khai mạng 5G của Huawei’. Đó là cách Trung Quốc hành động, và đã đến lúc thế giới phải thức tỉnh.”

Hiện chưa rõ tính xác thực trong nguồn tin của Fox, nhưng đã có những tín hiệu rõ ràng từ ĐCSTQ với chiến lược “ngoại giao khẩu trang” đầy cạm bẫy đối với châu Âu và thế giới.

Trung Quốc sau khi thông báo đã khống chế được dịch bệnh, bắt đầu gửi hàng cứu trợ tới các nước ở châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á. Từ vị thế là kẻ tội đồ vì đã gây ra cuộc khủng hoảng đại dịch cho thế giới, tới hiện tại khiến ít nhất hơn 1 triệu người nhiễm bệnh, hơn 60.000 người tử vong, hơn 3 tỷ người phải chịu cảnh phong tỏa, hàng nghìn tỷ USD thiệt hại, thì ưu thế “công xưởng của thế giới” đã biến Trung Quốc thành kẻ ban phát ân huệ; khẩu trang và thiết bị y tế trở thành con bài chiến lược giúp Trung Quốc ra điều kiện với thế giới.

Trung Quốc hiểu rằng khi các chuỗi cung ứng quan trọng bị đứt gãy và các quốc gia tuyệt vọng về nguồn cung y tế, bất kỳ thiết bị nào đến từ Trung Quốc chắc chắn sẽ được coi là một ưu đãi ngay cả khi đó là bán hàng chứ không phải quyên góp hay viện trợ. 

Bắc Kinh đã tìm mọi cách trục lợi từ cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng toàn cầu này, trong đó có việc đẩy gã khổng lồ Huawei với công nghệ 5G vào phương Tây.

> Mưu đồ đằng sau sự viện trợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Trước đó, Huawei đã bị Mỹ tố cáo về nguy cơ gián điệp, có thể mang tới nhiều rủi ro chiến lược cho các quốc gia đồng minh. Úc, New Zealand và Mỹ đã cấm công nghệ 5G Huawei. Sau các động thái của Mỹ, nhiều nước châu Âu như Pháp, Anh, Ba Lan, Hà Lan và các nước khác đã bắt đầu thực hiện các bước để giảm lượng thiết bị Huawei được sử dụng trong các mạng của mình, đặc biệt là mạng 5G. 

Tuy thế, Huawei đã tận dụng dịch bệnh để tìm cách nối lại quan hệ với các quốc gia, trở thành một nhà tài trợ khẩu trang lớn nhất ở châu Âu.

Theo trang Politico, Huawei đã quyên góp 1 triệu khẩu trang cho nhân viên y tế ở Tây Ban Nha, 838.000 cho Hà Lan, 200.000 cho Ý, 12.000 cho Ba Lan. Ngoài ra, hãng này cũng gửi đồ cứu trợ đến Hy Lạp, Bỉ, Ireland.

SCMP ngày 29/3 đưa tin Huawei đã cung cấp 20.000 khẩu trang và 120.000 đôi găng tay cho Lithuania, một đồng minh của Mỹ ở Baltic. Bộ Giao thông và Truyền thông Lithuania cho hay Huawei đã bày tỏ sự quan tâm đến việc phát triển mạng 5G ở quốc gia này, tuy nhiên Bộ Quốc phòng sẽ xem xét “các khả năng” trước lo ngại về vấn đề an ninh của các thiết bị Huawei.

Ngoài Lithuania, Huawei còn đưa ra các đề nghị tương tự với Latvia và Estonia.

Trong khi “hàn gắn” quan hệ với châu Âu, Huawei mặt khác hướng tới Mỹ để chỉ trích và đe dọa.

Thời báo Hoàn Cầu – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ – đã dẫn lời một nhà phân tích đe dọa việc Mỹ hạn chế Huawei có thể phản tác dụng trong đại dịch, vì Trung Quốc có thể cấm xuất khẩu khẩu trang và các thiết bị y tế khác sang Mỹ.

Khi Mỹ tuyên bố ngừng xuất khẩu khẩu trang N95 sang Canada, một đồng minh thân cận, để dồn sức bù đắp thiếu hụt trong nước, Bắc Kinh đã tận dụng cơ hội thay đổi các tính toán chính trị với Ottawa. Hơn một năm trước, việc Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt ở Vancouver theo yêu cầu từ Mỹ đã làm quan hệ song phương giữa Canada và Trung Quốc trở nên căng thẳng. Nhưng giờ đây, chính sách ngoại giao khẩu trang của Trung Quốc đang tìm cách xoay chuyển tình hình.

Hôm 5/3, lô hàng khẩu trang do Huawei hỗ trợ đã đến TP Vancouver. Tuần trước, chính quyền bang British Columbia đã chấp thuận đề nghị viện trợ này, nhưng không công khai thông báo. Lô hàng này gồm hàng trăm nghìn khẩu trang loại thường và khẩu trang N95, theo truyền thông địa phương.

Viện trợ hào phóng của Huawei diễn ra khi hãng này đang vận động hành lang Canada để cho phép sử dụng thiết bị viễn thông của mình trong lĩnh vực 5G.

> Phương Tây cần suy nghĩ lại về mối quan hệ với Trung Quốc

Thế giới đang rất cần sự hỗ trợ, nhưng không có gì miễn phí, đặc biệt là khi nó đến từ Bắc Kinh. Virus corona chủng mới – một sản phẩm xuất phát từ Trung Quốc – đã được ĐCSTQ sử dụng để trục lợi kinh tế và áp đặt lối chơi lên thế giới. 

Ông Marcin Przychodniak, một nhà phân tích tại Học viện Quan hệ quốc tế Ba Lan, cho biết các chính phủ tại châu Âu đã phải hợp tác trực tiếp với chính quyền Trung Quốc theo cách này hay cách khác để có thể được đặt mua các mặt hàng y tế. “Có nhiều khả năng tồn tại những điều kiện ràng buộc kèm theo,” ông Przychodniak nhận xét.

Trước đó, ông Josep Borrell, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, đã cảnh báo về chiến dịch áp đặt quyền lực mềm của Bắc Kinh, nói rằng châu Âu “nhất thiết phải nhận thức được yếu tố địa chính trị, bao gồm việc áp đặt ảnh hưởng của Trung Quốc” đằng sau những hỗ trợ hào phóng.

Đây không phải là quyết định dễ dàng với phương Tây khi từng ngày phải đối mặt với những cơn sóng mới của đại dịch trong khi nguồn cung vật tư y tế ngày một cạn kiệt. Nhưng đồng ý thỏa hiệp với ĐCSTQ lại chính là đồng nghĩa với bỏ qua vai trò và trách nhiệm của thể chế này trước đại dịch, bỏ qua những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bỏ qua mối nguy tiềm tàng cho an ninh quốc gia, bỏ qua tất cả những giá trị mà phương Tây (dường như) đại diện. 

Lựa chọn sinh tử này sẽ là sự hồi sinh hay cái chết vĩnh viễn, là tuỳ thuộc vào thái độ của mỗi quốc gia.

Lê Xuân

Trí Thức VN

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top