Là ba nước láng giềng với nhau, với những biên giới chỉ mang tính hình thức, lại có chung một “truyền thống La Tinh”, Pháp, Ý và Tây Ban Nha hiện bị dịch Covid-19 tấn công dữ dội nhất châu Âu. Tính đến hết ngày 05/04/2020, các con số thông kê về tình hình dịch bệnh tại Pháp, Ý và Tây Ban Nha phải nói là chóng mặt. Thế nhưng vì sao Pháp lại có vẻ bị nhẹ hơn hai hàng xóm?
Trên nhật báo Pháp La Dépêche ngày 26/03 vừa qua, một chuyên gia dịch tễ học đã cho rằng khác biệt văn hóa giữa ba dân tộc có thể là nguyên nhân chủ yếu giải thích hiện tượng này.
Tây Ban Nha số một về tử vong, Ý đứng đầu về ca nhiễm
Theo thống kê của hãng tin Pháp AFP, tính đến 19 giờ GMT ngày 05/04, Tây Ban Nha nắm giữ vị trí đáng buồn là quốc gia đứng đầu châu Âu về số ca nhiễm virus corona (130.759), theo sau là Ý (128.948), rồi đến Pháp (92.839, tính cả số người trong các viện dưỡng lão).
Về số ca tử vong tình hình hơi khác, Ý dẫn đầu về số người chết (15.877), theo sau là Tây Ban Nha (12.418), và thứ ba là Pháp, với số trường hợp tử vong (8.078) chỉ bằng hơn một nửa so với hai nước láng giềng .
Các số liệu trên đây cho thấy ở vào thời điểm hiện nay, nước Pháp có vẻ bị nhẹ hơn Ý hay Tây Ban Nha. Theo bác sĩ Alain Fisch, chuyên gia về dịch tễ học và bệnh truyền nhiễm tại Trung Tâm Bệnh Viện Villeneuve-Saint-Georges tỉnh Val-de-Marne (vùng Paris), chủ tịch Viện Nghiên Cứu Dịch Tễ Học và Y Tế Dự Phòng Ideep, khác biệt giữa Pháp và hai nước còn lại chủ yếu đến từ khác biệt văn hóa:
“Dù là ở Ý hay ở Tây Ban Nha, hay ở các quốc gia Nam Âu nói chung, tính chất hợp quần xã hội, sống chung đụng cạnh nhau rất mạnh. Đây là một thực tế: Người ta chạm vào nhau một cách dễ dàng hơn, choàng vai ôm hôn nhau để chào hỏi, người ta thích quây quần chen chúc bên nhau quanh những cái bàn ăn lớn… Với một siêu vi như con virus corona, kiểu chung đụng như vậy là một môi trường truyền nhiễm lý tưởng”.
Quán tính quây quần ở Ý và Tây Ban Nha mạnh hơn ở Pháp
Chuyên gia này nói tiếp: “Tại Pháp, tính chất hợp quần xã hội nhẹ hơn, và càng đi ngược lên phía bắc thì càng lúc càng ít đi”
Chuyên gia này trích dẫn số liệu khá thấp của các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và không quên nhắc lại: “Trước đây, người ta đã ghi nhận điều này nhân đợt dịch viêm phổi cấp tính SARS (năm 2003)”.
Đối với giáo sư Fisch, nếu có một bài học cần rút ra từ trận đại dịch lần này, thì đó sẽ là sự cần thiết phải áp dụng những cách hành xử xã hội đúng đắn, nhất là khi có những đợt dịch theo mùa: “Tôi cho rằng chúng ta phải thay đổi các hành vi xã hội của chúng ta sau những gì đang xẩy ra. Tại Thụy Điển chẳng hạn, người ta không hề có thói quen bắt tay”.
Quán tính thiếu kỷ luật của người “La Tinh”
Về các biện pháp được ban hành để ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, giáo sư Alain Fisch không chê trách các chính quyền Ý hoặc Tây Ban Nha, cả về nội dung các biện pháp ban hành, lẫn về thời điểm ban hành. Lý do vì đặc trưng văn hóa thích chung đụng và không chịu gò bó của người phía Nam Châu Âu so với người phía Bắc:
“Cũng giống như ở Pháp, người dân các xứ có truyền thống La Tinh (ở Ý hay Tây Ban Nha) khó mà chấp nhân việc phải tôn trọng hoàn toàn các biện pháp phong tỏa. Người ta luôn tìm cách luồn lách, bằng cách này hay cách khác, và điều đó tất nhiên sẽ khiến cho dịch bệnh lây lan mạnh hơn, làm số ca nhiễm và tử vong gia tăng”.
Hệ thống y tế Pháp tốt hơn
Theo giáo sư Fisch, hệ thống y tế ở các nước cũng có vai trò nhất định. Ông ghi nhận: “Hiện vẫn có cách biệt trong hạ tầng cơ sở y tế giữa Pháp với Tây Ban Nha hay Ý, cho dù trong vòng một thập niên qua, tình hình đã được cải thiện rất nhiều”.
Theo kinh nghiêm bản thân, giáo sư Fisch cho rằng các thay đổi luôn đòi hỏi một thời gian dài mới phát huy tác dụng.
Theo RFI
Post a Comment