Để đưa đất nước lên nấc thang phát triển mới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xác định nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành năm 2020.

Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, Chính phủ vừa ban hành nghị quyết hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2019.

Theo nghị quyết, Chính phủ yêu cầu phát huy kết quả đạt được trong năm 2019 và từ đầu nhiệm kỳ với phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả" và tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, đoàn kết, quyết tâm phấn đấu và nỗ lực cao nhất thực hiện thắng lợi toàn diện, vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội đề ra trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Về kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng năm 2019, với quyết tâm phấn đấu đạt kết quả cao hơn năm 2019, Chính phủ yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước tại hội nghị. Trong đó tập trung ưu tiên khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra bằng giải pháp, hành động cụ thể, tạo chuyển biến rõ nét.

Không ngừng đổi mới tư duy, tăng cường phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, tạo mọi thuận lợi cho người dân doanh nghiệp. Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng mọi năng lực sản xuất, tận dụng tốt các tiềm năng thế mạnh. Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.

Chính phủ cũng xác định kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cải tiến lề lối làm việc, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu và kiểm soát quyền lực, có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quết Trung ương 4 (khóa XI) và (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tái cơ cấu nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu

Về kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, để tạo chuyển biến rõ nét hơn mô hình tăng trưởng, đưa đất nước lên nấc thang phát triển mới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xác định nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành năm 2020.

Từng bộ, ngành, địa phương chủ động ban hành các giải pháp, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trong đó tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ quan trọng về: hoàn thiện thể chế kinh tế; phát triển thị trưởng và các yếu tố sản xuất; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển; đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.

Đối với các mục tiêu không có khả năng hoàn thành, chủ động báo cáo, xác định nguyên nhân, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý kịp thời, nghị quyết nêu rõ.

Về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành xây dựng kế hoạch cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp giai đoạn 2020 – 2025, bảo đảm nguyên tắc khi ban hành một văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ và phải giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; tập trung đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu là cơ quan hải quan; bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm. Phát huy vai trò của tổ công tác, hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong việc đối thoại, nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Duy trì đổi thoại giữa cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ vướng mắc khó khăn và cải thiện môi trường kinh doanh.

Tháng 6/2020, gửi nhận văn bản điện tử tại 4 cấp

Về xây dựng Chính phủ điện tử, nghị quyết nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra của năm 2020 nêu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ. Đặc biệt khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ đã quá hạn, phấn đấu đến hết năm 2020 tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 30%, 100% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) và triển khai biện pháp giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung.

Các bộ, cơ quan theo phân công khẩn trương trình Chính phủ ban hành các nghị định trong quý 1/2020 để hoàn thiện thể chế nền tảng của Chính phủ điện tử gồm: thay thế nghị định số 110/2004/NĐ-CP; quy định về định danh và xác thực điện tử; về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số; về bảo vệ dữ liệu cá nhân; về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công các bộ, địa phương với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (30% tổng số dịch vụ công/tổng số dịch vụ công trực tuyến năm 2020 và cứ mỗi năm tiếp tục tích hợp 20%).

Đến tháng 6/2020, hoàn thành nhiệm vụ gửi nhận văn bản điện tử tại 4 cấp chính quyền. Từng bước đưa vào vận hành hệ thống thông tin tham vấn chính sách, hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-Cabinet), hệ thống thông tin quản lý văn bản điều hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, công nghệ…, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, nhất là các ngành có lợi thế và tiềm năng gắn với chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký thành doanh nghiệp. Triển khai Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030 bằng chương trình, kế hoạch cụ thể.

Các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp phối hợp tích cực với các cơ quan quản lý nhà nước để khuyến nghị chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp. Xây dựng các chương trình, giải pháp cụ thể, khả thi để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên, là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và Chính phủ.

Các doanh nghiệp chủ động đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh, chú trọng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tăng cường liên kết, hợp tác, nâng cao năng lực quản trị trong bối cảnh hội nhập, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top