Ngành nội chính phải tăng cường phối hợp tham mưu, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ hư hỏng, tiêu cực, tham nhũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.
Ngày 6/1, phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành nội chính Đảng, ông Trần Quốc Vượng đánh giá, năm 2019 ngành nội chính đã tích cực, chủ động tham mưu cho các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Gần 80 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý
Ông Vượng cho biết, qua sơ kết, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã phát hiện, tham mưu chỉ đạo hơn 100 vụ, việc về tham nhũng, kinh tế. Trong năm 2019, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất ban thường vụ, thường trực tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý 446 vụ án, vụ việc; xử lý dứt điểm 211 vụ việc, vụ án, qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương.
Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đến nay đã đưa ra xét xử sơ thẩm 62 vụ/720 bị cáo, tuyên phạt 11 án tử hình, 23 án tù chung thân, 10 bị cáo bị phạt án tù 30 năm. 23 bị cáo từ 20 đến 30 năm tù.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay đã thi hành kỷ luật Đảng, xử lý hành chính, hình sự gần 80 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Trần Quốc Vương, hoạt động của ngành nội chính Đảng vẫn còn một số hạn chế. Nhất là phương pháp tiến hành công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng đối với lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp còn hạn chế.
Ở một số lĩnh vực, địa phương công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa chuyển biến mạnh mẽ, tham nhũng vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp, việc phối hợp với các cơ quan chức năng để tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo xử lý các vụ việc bức xúc, nổi cộm liên quan đến an ninh, trật tự chưa kịp thời.
Tham mưu xử lý dứt điểm vụ Phan Văn Anh Vũ, Định Ngọc Hệ
Về nhiệm vụ năm 2020, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, ngành nội chính cần tập trung nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn về nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp, trước mắt là phục vụ cho chuẩn bị Văn kiện đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp.
Nâng cao chất lượng thẩm định các đề án, văn bản thuộc lĩnh vực nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp; tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, thể chế, chính sách, pháp luật của nhà nước để "không thể tham nhũng", nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, công khai, minh bạch, cơ chế bảo vệ, khuyến khích người tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước.
Nhiệm vụ tiếp theo là tập trung tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, góp phần đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo là "không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào".
Ông Trần Quốc Vượng cũng yêu cầu tập trung tham mưu xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Định Ngọc Hệ và các vụ án, vụ việc dư luận xã hội quan tâm. Ngành nội chính phải tăng cường phối hợp tham mưu, kiên quyết ngăn chặn tình trạng "tham nhũng vặt"; xử lý nghiêm những cán bộ hư hỏng, tiêu cực, tham nhũng.
"Trong công tác phòng, chống tham nhũng, đồng chí Tổng Bí thư đã nói, dù rất đau lòng, nhưng vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, sự thượng tôn pháp luật Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh, uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải tiếp tục làm, làm mạnh hơn nữa trong thời gian tới", ông Trần Quốc Vượng phát biểu.
Theo Thường trực Ban Bí thư, ngành nội chính còn cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong các cơ quan nội chính, nhất là kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, "chống tham nhũng, trước hết trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng".
Ngoài ra, cần tham mưu chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng (các dự án đầu tư lớn; quản lý sử, dụng đất đai; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; các dự án mua sắm lớn từ ngân sách nhà nước…).
Ông Trần Quốc Vượng cũng nêu rõ yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ ngành nội chính Đảng có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai, có kiến thức, kinh nghiệm sâu sắc về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, phải thật sự liêm chính.
Post a Comment